Nhiều lợi ích từ cây “nữ hoàng quả khô”
Khoảng 10 năm trở lại đây, với mục tiêu tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác cho người nông dân, nhiều tỉnh tại khu vực Tây Nguyên đã thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chú trọng phát triển các loại giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây mắc ca.
|
|
Ông Điểu Toih (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đăk Nông) bên vườn cây mắc ca trồng xen canh với vườn cây cà phê của gia đình. |
Mắc ca là cây trồng có nguồn gốc xuất xứ từ Châu Úc được trồng tại các quốc gia có khi hậu ẩm, cận nhiệt đới. Trên thế giới, vùng trồng chính là Úc, Hawaii và tại các nước như New Zealand, Nam Phi, Enia, Malawi, Israel, Brazil...
Tại Việt Nam, từ năm 1994, cây Mắc ca đã được đưa vào trồng thử nghiệm ở Ba Vì, Hà Nội. Sau đó được phát triển ở nhiều tỉnh khác nhau thuộc vùng Tây Bắc và Tây Nguyên.
Tại Đắk Nông, sau nhiều năm khảo sát, nghiên cứu, và tìm hiểu thực tế, năm 2010, cây Mắc ca được Trung tâm khuyến nông tỉnh Đắk Nông triển khai trồng thí điểm tại một số huyện trên địa bàn tỉnh (gồm các huyện: Tuy Đức, Đắk R’Lấp, Đắk Mil, Đắk G’Long). Đến năm 2011, cây mắc ca được trồng thử nghiệm tại 7 huyện và TP Gia Nghĩa của tỉnh Đắk Nông với diện tích 11ha. Cho đến năm 2018, tổng diện tích Mắc ca toàn tỉnh là 900 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 100 ha, năng suất trung bình 1,3 tạ/ha.
Đến hết quý I/2019, vùng trồng mắc ca nhiều nhất của tỉnh Đắk Nông là huyện Tuy Đức, với diện tích 800,8 ha (cao hơn 100 ha so với năm 2018).
Ông Điểu Toih, Bí thư chi bộ bon Bu Prăng 1 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) cho biết, những năm gần đây cây mắc ca trên địa bàn bon đã bắt đầu cho thu bói. Từ đó, bà con trong bon có thêm một khoản thu nhập tương đối ổn định nên có cuộc sống khá hơn. Riêng gia đình ông mấy năm trở lại đây, có thêm khoản thu khoảng 60 triệu đồng/năm nhờ việc xen canh trồng gần 500 cây mắc ca trong rẫy cà phê. “Giá mắc ca giờ cao lắm, gần đến mùa là thương lái đi đến từng nhà, đặt cọc trước để mua”, ông Điểu Toih chia sẻ.
Theo ông Đoàn Hồng Quân, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, tại bon Bu Prăng 1 và 2 có khoảng 100 ha mắc ca. Những năm gần đây, cây mắc ca trên địa bàn xã đã cho thu bói. Đặc biệt, nhờ phù hợp với khí hậu nên mỗi năm, cây mắc ca trên địa bàn cho 2 vụ trái. Nhờ mắc ca mà nhiều gia đình như ông Điểu Toih, bà Thị Nhó… có thêm khoản thu đáng kể để trang trải cuộc sống, xoay vốn làm ăn, phát triển kinh tế.
Tại tỉnh Đắk Lắk, theo thống kê sơ bộ của Sở NN & PTNT, tổng diện tích cây mắc ca được thực hiện trên đất quy hoạch nông nghiệp trên 750 ha (trồng xen canh khoảng 600ha, trồng thuần 150 ha) trồng xen canh trong vườn cà phê, tiêu... tại các huyện Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ...
Theo quyết định số 1134/QĐ-BNN-TCLN ngày 5/4/2016 của Bộ NN & PTNT về việc phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca, tiềm năng phát triển diện tích mắc ca đến năm 2030 tại vùng Tây Nguyên là 2.200 ha trồng thuần và 24.250 ha trồng xen.
|
|
Đoàn công tác của UBND huyện Tuy Đức đến kiểm tra thực tế các vườn cây mắc ca được trồng xen canh tại (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức). |
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông, cây mắc ca được đánh giá có tốc độ sinh trưởng mạnh, thích hợp với khí hậu, đất đai tại địa phương, phù hợp với tập quán canh tác cũng như điều kiện đầu tư, sản xuất của bà con dân tộc thiểu số tại chỗ, mang lại hiệu quả kinh tế tương đối ổn định từ 41,9-276,8 triệu đồng/năm. Trên thị trường hiện nay, giá hạt mắc ca tương đối cao và ổn định từ 80-120.000 đồng/kg).
Cũng theo Sở này, cây mắc ca có nhiều ưu thế vì dễ trồng, dễ chăm sóc, mức đầu tư về công chăm sóc, phân bón, nước tưới thấp hơn nhiều so với cà phê, hồ tiêu. Hơn nữa, cây mắc ca có sức chịu hạn cao, thích nghi với nhiều loại chân đất khác nhau, có thể sinh trưởng tốt ngay cả trên các loại đất nghèo kiệt, cằn cỗi, hàm lượng bô xít cao.
Ngoài ra, mắc ca cũng được đánh giá có khả năng kháng sâu bệnh cao. Đến nay, chưa phát hiện loại sâu bệnh nào gây nguy hại nghiêm trọng trên các diện tích được trồng. Hiện chỉ có một số loại bệnh gây hại rải rác ở mức độ nhẹ như: Bọ xít, sâu đục trái, mọt đục cành; tảo, địa y bám trên thân và lá cây; mối hại gốc. Các loại sâu bệnh này chủ yếu gây hại ở những vườn có mật độ trồng dày, ẩm thấp, cây rậm rạp.
Mặt khác, mắc ca là cây lâm nghiệp, có tốc độ tăng trưởng nhanh. Sau 3 năm trồng, mắc ca có thể đạt chiều cao 3m, tán lá rộng trên 2,5m và đạt độ che phủ tương đối. Do đó, việc trồng mắc ca vừa đem lại lợi ích về kinh tế cũng như phủ xanh đất trống, đồi núi trọc hiệu quả.
Lo vì chưa có đơn vị nào uy tín để cung cấp cây giống cho người dân
Xuất phát từ những ưu điểm nói trên, huyện Tuy Đức đã lựa chọn ưu tiên và xác định phát triển cây mắc ca là cây trồng chủ lực trong tương lai để phấn đầu từng bước xây dựng huyện Tuy Đức trở thành “thủ phủ mắc ca” của tỉnh Đắk Nông trên địa bàn Tây Nguyên.
Bà Phạm Thị Phượng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Đức (Đắk Nông) cho biết, qua đánh giá sơ bộ, một số vườn mắc ca tại địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân so ra với những cây trồng khác như cà phê, lúa... Tuy nhiên, theo bà Phượng hiện nay trên địa bàn huyện chưa có đơn vị nào uy tín để cung cấp cây giống cho người dân. Do đó, Phòng NN & PTNT khuyến cáo, người dân khi mua cây giống để trồng cho vụ mới thì nên đăng ký thông qua các tổ chức hội nông dân, khuyến nông, Phòng NN & PTNT. Từ đó, Phòng triển khai đăng ký tập trung mua giống tại các cơ sở có uy tín, chất lượng.
|
|
Mắc ca là loại cây trồng “dễ tính”, mức đầu tư thấp, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, có thể phát triển diện tích theo mô hình trồng xen trong vườn cà phê, cây ăn trái, hồ tiêu, cây nông nghiệp ngắn ngày nhằm mang lại nguồn thu kép cho các hộ nông dân. |
“Do đó, chúng tôi mong muốn các cơ quan chuyên môn của tỉnh, Sở NN&PTNT, Sở khoa học Công nghệ tỉnh có những đề tài nghiên cứu chuyên sâu về cây mắc ca, mời các chuyên gia đầu dòng về cây mắc ca nghiên cứu, đánh giá tính phù hợp của từng dòng, từng giống mắc ca với điều kiện của mỗi địa phương, có quy hoạch hoàn chỉnh. Đồng thời, đưa ra các quy trình canh tác phù hợp với điều kiện canh tác của người dân địa phương để từ đó có định hướng phát triển cây mắc ca cho bà con nhằm đưa lại hiệu quả kinh tế cao” – bà Phượng cho hay.
Để nâng cao giá trị và phát triển bền vững cây mắc ca, tránh tình trạng vỡ quy hoạch như cây hồ tiêu, ông Nguyễn Viết Vui, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông nghiệp, Sở NN & PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, trong thời gian tới các ngành chức năng sẽ tập trung hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc, đánh giá hiệu quả các diện tích cây mắc ca hiện có. Đồng thời, thận trọng, mở rộng diện tích cây mắc ca trên địa bàn tỉnh, chỉ tập trung phát triển tại các vùng đã khảo nghiệm phù hợp về điều kiện tự nhiên, khí hậu với các dòng được xác định phù hợp: OC, QN, 695, 246, H2.
Bên cạnh đó, tuyên truyền trên các thông tin đại chúng, khuyến cáo nông dân trồng mới cây mắc ca phải xác định rõ: nguồn gốc giống, các dòng theo khuyến cáo của cơ quan chức năng và phải phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng tại địa phương. Mặt khác, tiếp tục theo dõi, đánh giá để xác định, các dòng mắc ca phù hợp với điều kiện huyện Tuy Đức nói riêng và các vùng khác trong tỉnh nói chung để khuyến cáo cho nông dân nhằm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người nông dân và giúp việc canh tác trở nên bền vững.
Sở NN&PTNT cũng khuyến cáo nông dân trồng xen mắc ca trong các vườn cà phê chuyên canh với mật độ 90 cây/ha. Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn làm đầu mối, liên kết, hỗ trợ nông dân (hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch sản phẩm, cung cấp vật tư nông nghiệp…) để sản xuất được sản phẩm hạt mắc ca phù hợp với yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, khuyến khích người dân liên kết thành tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp nhằm thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm mắc ca.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT Đắk Nông cũng kiến nghị UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể, rõ ràng, đặc thù về phát triển bền vững cây mắc ca trên vùng đất nông nghiệp, đất chưa sử dụng (như hỗ trợ cây giống, khuyến nông khuyến lâm, về tín dụng đầu tư...); thu hút, tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển cây mắc ca trên địa bàn./.