Nghị định chính phủ đã nêu rõ mặt hàng mà chưa được Nhà nước kiểm định và công bố về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không được lưu thông trên thị trường và càng không được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 


Tuy nhiên, theo tìm hiểu, khó có chuyện sữa xách tay được nhiều như vậy, trong khi mỗi lần xách thì cũng chỉ được vài hộp, Tiếp viên hàng không bay đi bay về mỗi lần cũng chỉ mang về được 20 đến 30 hộp. Về lần nào hết lần đó, chủ yếu xách cho bạn bè, người thân, lấy đâu ra mà bán đầy ngoài thị trường. Một ý kiến khác cho rằng, sữa xách tay chủ yếu là sữa giả, sữa nhập lậu từ Trung Quốc, vì hải quan sân bay đã bắt nhiều lô hàng sữa Meiji, S26, Ensure... nhập về từ Đài Loan.

Theo ông Nguyễn Văn Nhiên, Chánh thanh tra Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết, điều đáng nói là theo điều 15, Nghị định 45 năm 2005 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì những mặt hàng mà chưa được Nhà nước kiểm định và công bố về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không được lưu thông trên thị trường và càng không được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy "sữa xách tay" là một trong những sản phẩm như vậy.

Tuy nhiên, không hiểu vì sao các trang web quảng cáo các mặt hàng "sữa xách tay" vẫn ngang nhiên hoạt động. Các sản phẩm này thường được rao bán trên mạng, có in số điện thoại của người bán và khi người mua hẹn ở đâu sẽ có người đem đến tận nơi hoặc bán tại nhà. Điều này cũng khó để người mua nhận biết liệu mình có mua phải hàng giả hay không. Nếu xảy ra hậu quả không hay người tiêu dùng chẳng biết bám vào đâu.
 

Theo Dân trí