Thị trường đồng hồ cao cấp: Cuộc 'đổ bộ' của hàng nhái
Cập nhật lúc 16:15, Thứ tư, 16/04/2014 (GMT+7)
Những chiếc đồng hồ cao cấp mang tên các nhãn hiệu nổi tiếng như Rolex, Hublot, Richard Mille, Blancpian… được làm nhái với giá bán khá rẻ.
Theo khảo sát của PV, tại các siêu thị lớn, trung tâm thương mại, những chiếc đồng hồ cao cấp như thế chỉ có giá bán dao động từ 2 triệu đến 6 triệu đồng, với mức giá này thì hầu hết đều là hàng nhái.
Nhiều khách hàng đang sở hữu những chiếc đồng hồ của các thương hiệu nổi tiếng có giá hàng chục ngàn USD không khỏi giật mình khi vào trang bán hàng online thấy những chiếc đồng hồ y chang của mình mà giá chỉ vài trăm USD. Nhiều khách hàng cũng biết rằng thực chất giá cả như thế chỉ là hàng nhái, nhưng không hiểu tại sao lại được bày bán quá công khai và không được kiểm soát như vậy.
Phân biệt thật – giả: “Đãi cát tìm vàng”
Việc phân biệt hàng thật – hàng giả đang trở nên quá khó khăn với người tiêu dùng. Nhiều người dù đã tìm đến những cửa hàng bán đồng hồ lớn nhưng thực chất cũng chỉ mua được hàng fake.
Điểm gây chú ý với nhiều khách hàng đó là nhãn hiệu đồng hồ cao cấp Blancpian một năm chỉ sản xuất 10.000 chiếc với giá không hề rẻ. Không phải ai cũng có thể sở hữu được chiếc đồng hồ này bởi nó hầu như không được sản xuất nhiều và đại trà như Rolex (khoảng 2.000 chiếc đồng hồ mỗi ngày). Tuy nhiên thương hiệu này lại không phải hàng hiếm tại Việt Nam, khiến nhiều khách hàng không khỏi lo ngại về xuất xứ của nguồn hàng.
Khách hàng Thùy Linh (Hà Đông – Hà Nội) cho biết: “Đi mua thì thấy giá như vậy cũng nghĩ là hàng fake, làm gì có đồng hồ cao cấp nào giá 4 -5 triệu đồng”.
Khi nhiều khách hàng lo ngại về chất lượng của sản phẩm, thì hầu hết các chủ cửa hàng đều trấn an tâm lý khách bằng cách đưa ra những loại sản phẩm khác có mức giá cao hơn, hoặc trả lời với khách hàng đây là mẫu sản phẩm giá bán trung bình, để phù hợp với túi tiền của khách hàng hơn, chứ thực chất đều là hàng tốt.
Chủ một cửa hàng bán đồng hồ trên phố Bà Triệu chia sẻ, cứ tiền càng nhiều thì càng giống hàng thật, thậm chí giống đến từng đường nét, logo in trên sản phẩm, khó mà phân biệt được.
Theo nhiều chuyên gia về đồng hồ, nếu khách hàng chưa biết phân biệt đồng hồ thật – giả thì có thể vào các trang website của những hãng đồng hồ nổi tiếng, để xem những kiểu dáng đồng hồ của hãng và đại lý của hãng ở Việt Nam.
Ngoài ra, đồng hồ chính hãng về nguyên tắc khi mua sẽ có thẻ bảo hành toàn cầu, có số seri để khách hàng có thể tra cứu online. Nếu đồng hồ cao cấp mà không có những thông số này, thì đa phần đều hàng nhái. Khách hàng khi mua có thế lưu ý về chi tiết này của các hãng đồng hồ cao cấp, tránh mua phải hàng kém chất lượng.
Cũng theo một số thợ sửa đồng hồ, đồng hồ được làm nhái thường sử dụng những vật liệu khá rẻ và nhẹ như nhôm hoặc hợp kim. Đồng hồ khi được mạ, có lớp vỏ khá nhạt, dùng một thời gian sẽ nhanh phai màu, đặc biệt khi tiếp xúc với nước. Đồng thời đồng hồ được làm nhái nhẹ hơn đồng hồ thật, vì thế người dùng có thể đặt đồng hồ mới mua lên cân và cân thử, so sánh với thông tin của chính hãng đó đưa ra… Đồng hồ chính hãng dùng hàng chục năm vẫn tốt như mới.
Thực tế, để phân biệt đồng hồ có phải hàng thật hay không không đơn giản, bởi hiện nay, mẫu mã sản phẩm được làm nhái rất công phu và giống với hàng thật đến 90%. Nếu không phải là người biết quan sát, và am hiểu về đồng hồ thì đây quả là việc “đãi cát tìm vàng”.
Theo Thời báo tài chính