Các thương hiệu bánh trung thu trong nước gần đây đã có những cải tiến mạnh mẽ về chất lượng, mẫu mã nhằm cạnh tranh với mong muốn dẫn đầu trên thị trường.

 


Bánh trung thu ngoại nhập “đổ bộ”

Bánh trung thu ngày nay không còn chỉ đơn thuần là những chiếc bánh nướng, bánh dẻo nhân thập cẩm, đậu xanh như truyền thống. Giờ đây, bánh trung thu đã được những nghệ nhân làm bánh đẩy lên một tầm cao mới với sự mở rộng nguyên liệu đến vô vàn và hình thức mới mẻ, phá cách.

Năm nay, thị trường bánh trong nước chứng kiến nhiều cuộc cải tiến mạnh mẽ về khẩu vị lẫn hình thức. Các nhà sản xuất bánh trung thu đã rất nhanh nhạy khi bắt kịp xu thế ẩm thực mới để cho ra đời các sản phẩm như bánh trung thu điêu khắc phong cách Nhật, bánh trung thu 3D, trung thu nhân trứng muối tan chảy, bánh trung thu phủ than tre…

Năm 2017 thị trường bánh trung thu cũng chứng kiến cuộc “đổ bộ” của các dòng bánh trung thu ngoại nhập, mà đa phần từ các nước lân cận như Malaysia, Đài Loan. Đặc biệt, nhiều thương hiệu bánh của Malaysia đang áp dụng chiến lược giá rẻ để đánh vào người tiêu dùng bình dân. Với khẩu vị khá lạ đặc trưng của thực phẩm Malaysia, bao bì hút mắt, các dòng bánh nhập khẩu này cũng đang bán khá chạy, tuy nhiên, vấn đề về an toàn thực phẩm thì… chưa rõ.

Mùa Trung thu 2017 còn là “cuộc chơi” của các “ông lớn” trong ngành bánh trung thu khi các thương hiệu bánh này thi nhau đưa ra những sáng tạo mới mẻ nhằm cạnh tranh. Kinh Đô tung ra dòng bánh trung thu mới với bao bì tương tự như… hộp bánh ngọt, bên trong nhân hai lớp, một lớp nhân truyền thống, lớp nhân còn lại theo kiểu mứt hoa quả phương Tây.

Givraf, thương hiệu bánh trung thu “sang chảnh” thì cho ra mặt bộ sản phẩm bánh trung thu “trăng ngũ sắc”, bên trong hầu hết là các loại nhân rất đặc trưng của ẩm thực phương Tây như việt quất, sô cô la, phô mai…

Đại Phát, một thương hiệu 100% vốn Đài Loan với phân khúc quà tặng cao cấp thì tập trung vào hai dòng bánh cầu vồng, mặt bánh mạ vàng sang trọng và dòng trung thu tuyết với cách ăn rất độc lạ: bánh trữ đông cùng các viên đá, khi ăn để tan chảy từ từ.

Ăn bánh được… tranh

Cách trình bày vỏ hộp cũng được các thương hiệu đầu tư khá mạnh. Một khách sạn 5 sao ở TP HCM đã rất chịu chơi khi mạ vàng lên hộp bánh in hoa văn rồng, tạo cho hộp bánh một vẻ quý tộc cổ điển. Nhiều thương hiệu đã áp dụng cách trang trí “nhiều tầng” cho vỏ hộp bánh trung thu, thay vì chỉ một khay như truyền thống. Có thương hiệu bánh còn hết sức sáng tạo khi hộp bánh ba tầng đồng thời cũng là… hộp nhạc.

Thương hiệu Brodard danh tiếng đem những chi tiết chạm khắc bằng ngọc trai lên vỏ hộp để chiếc hộp trở nên tinh tế, lạ mắt. Bánh trung thu Đại Phát thì đem nguyên bức tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Văn Hải lên một lễ hộp số lượng có hạn với mục đích người dùng ăn bánh trung thu xong thì sử dụng hộp làm… tranh trưng bày luôn (!).

Nhìn chung, ở thị trường bánh trung thu năm nay, các thương hiệu đều tăng về mẫu mã, dòng bánh lẫn số lượng sản xuất. Kinh Đô Việt Nam tung ra thị trường 84 loại bánh. Công ty CP Bibica dự kiến đưa ra thị trường trên 600 tấn sản phẩm với khoảng 60 chủng loại khác nhau, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Đại Phát sản xuất 500 tấn, tăng 35% so với năm 2016. Hầu hết các thương hiệu tăng giá nhẹ (từ 3-5%) do sự tăng của nguyên liệu cũng như lương nhân công. Kinh Đô tăng cao hơn một chút so với mặt bằng chung (7-10%).

Mới đây, một cơ sở sản xuất bánh trung thu tại quận Bình Thạnh, TP HCM đã bị bắt quả tang sản xuất bánh trung thu trong môi trường “siêu bẩn”, hoàn toàn không đạt các tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chắc chắn đó chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp sản xuất bánh trung thu thiếu vệ sinh mà năm nào cũng xảy ra.

Mùa trung thu, mùa vui, mùa thưởng thức bánh nhưng cũng đồng thời là mùa của nỗi lo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Kĩ lưỡng trong chọn lựa bánh trung thu, chọn bánh có nhãn mác, thương hiệu, cơ sở sản xuất uy tín có lẽ là cách duy nhất để giúp người tiêu dùng tránh được các nguy hại đến từ bánh trung thu “bẩn” tràn lan thị trường./.
 

Theo Ngọc Mai/PLO

.