(BVPL) - Việc tự do hóa ngành bán lẻ khiến Việt Nam trở thành một thị trường cực kỳ hấp dẫn. Không phải ngẫu nhiên mà các ông lớn ngành bán lẻ từ Nhật Bản, Thái Lan, Đức, Pháp… muốn đi sâu vào thị trường nội địa Việt Nam. Gần đây, hàng loạt thương hiệu bán lẻ đình đám dồn dập xuất hiện trên thị trường Việt Nam như Aeon, Auchan… Các chuyên gia cho rằng, cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt Nam vốn đã gay gắt nay sẽ còn khốc liệt hơn.
 


Có mặt tại Việt Nam 10 năm nay hai “ông lớn” Big C và Metro Cash&Carry đã không ngừng vươn vòi chiếm lĩnh thị phần. Big C mặc dù đã có 30 siêu thị và 10 chuỗi cửa hàng tiện lợi trên cả nước, nhưng vẫn không ngừng mở rộng. Không tiết lộ cụ thể số siêu thị mở mới hàng năm, song đại diện Big C Việt Nam cho biết: Sẽ không hạn chế số lượng nếu có cơ hội tốt. Metro Cash&Carry hiện có khoảng 20 siêu thị, nhưng tốc độ thâm nhập và mở rộng  vẫn ngày một gia tăng. Với sự kiện Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ vào năm 2015 và tham gia hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) lý giải cho sự xuất hiện ngày càng nhiều của các siêu thị ngoại. Aeon - nhà bán lẻ đến từ Nhật - đặt mục tiêu đến năm 2020 mở 20 trung tâm mua sắm, siêu thị tại Việt Nam. Nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản này đã mua cổ phần chi phối 2 hệ thống bán lẻ Việt Nam là Fivimart và Citimart. Đại gia bất động sản Vingroup sau khi đưa vào hoạt động hệ thống siêu thị VinMart, cửa hàng tiện lợi VinMart+, siêu thị điện máy VinPro và cửa hàng công nghệ VinPro+, mới đây đã công bố “mua đứt” hệ thống siêu thị Vinatexmart… Năm 2016 dự báo là năm dành cho tên tuổi bán lẻ Nhật Bản7-Eleven khi hãng ấp ủ chiến lược mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 4/2017. Đây là lần đầu tiên hãng này gia nhập một thị trường tại khu vực vành đai Thái Bình Dương, sau Indonesia năm 2009.7-Eleven Nhật Bản sẽ cử nhân viên sang Việt Nam để giúp các cửa hàng phát triển các sản phẩm độc đáo, đồng thời chọn địa điểm hợp lý tại TP.HCM, đáp ứng những tiêu chí của một cửa hàng tiện lợi hiện đại.

Trước sự bùng nổ của các tập đoàn bán lẻ, siêu thị ngoại người tiêu dùng sẽ được lợi tuy nhiên ngành phân phối thì lại lo ngại thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ có lúc phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp nước ngoài, và các doanh nghiệp nội sẽ bị thôn tính ngay trên sân nhà.
 

Trần Mai

.