Cuộc thanh tra về chất lượng đồ chơi trên diện rộng do các Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng tiến hành trong tháng 8 và 9/2013  cho thấy các cơ sở có vi phạm chiếm tỷ lệ lớn. Theo báo cáo nhanh của 23 Sở KH&CN, trong số khoảng 340 cơ sở đã được kiểm tra trong cả nước, có trên 100 cơ sở có vi phạm, chiếm  hơn 30%.
 


Trong những ngày gần đến Tết Trung thu này, dạo quanh thị trường đồ chơi trẻ em ở TP.Hà Nội, đồ chơi truyền thống vẫn lép vế trước các loại đồ chơi Trung Quốc…Để bán dịp Tết trung thu, bên cạnh việc sản xuất đồ chơi chính hãng, đồ chơi trẻ em được nhập lậu tăng mạnh. Từ các tuyến phố chuyên bán đồ chơi như: Lương Văn Can, Hàng Mã, Hàng Lược, chợ Đồng Xuân… cho đến các cửa hàng, thậm chí trong các siêu thị, trung tâm thương mại, đồ chơi trẻ em có nguồn gốc từ Trung Quốc vẫn chiếm đa số. Các sản phẩm đồ chơi Trung Quốc mang tính bạo lực như: búa, trùy, đinh ba, mặt nạ da người, mặt nạ có gắn nhạc, búp bê, gấu bông, siêu nhân, đèn lồng, gậy phát sáng… của Trung Quốc được người dân chọn mua nhiều, dù giá thành cho các sản phẩm này cũng không hề rẻ, thường từ vài chục đến vài trăm nghìn/sản phẩm.

Theo một số chủ cửa hàng đồ chơi cho biết, thời điểm hiện tại, mỗi ngày mỗi cửa hàng cũng bán được vài trăm sản phẩm đồ chơi các loại, chủ yếu là hàng “Tàu” do khách hàng lựa chọn loại hàng hóa này. Do đồ chơi có nguồn gốc từ Trung Quốc  hấp dẫn về mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, lại nhiều tính năng, dễ sử dụng, còn hàng Việt Nam thì vừa ít, lại đơn điệu, không bắt mắt nên ít hấp dẫn trẻ nhỏ. Với người tiêu dùng,  hàng Việt Nam hoặc hàng nhập khẩu đảm bảo chất lượng thì có giá cao hoặc rất cao (vài trăm đến hàng triệu đồng), không phải ai cũng đủ sức để mua. Bên cạnh đó, để mua được những sản phẩm này lại rất mất thời gian để tìm được vì được bày ở sâu bên trong các quầy hàng, không dễ nhìn thấy và không phải ai cũng mua được vì giá của sản phẩm đó khá đắt.

Theo Quy chuẩn kỹ thuật đối với đồ chơi trẻ em được Bộ KH&CN ban hành năm 2009, sau ngày 15/9/2010, tất cả các loại đồ chơi trẻ em thuộc đối tượng điều chỉnh của quy chuẩn QCVN 3:2009/BKHCN phải được gắn dấu CR khi lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra của Cục quản lý Chất lượng hàng hoá (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng), việc thực hiện quy định này là rất khó, do nhiều đồ chơi trẻ em dưới 36 tháng tuổi có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ nên không thể mang đi để kiểm tra; các chủ bán hàng lại lách bằng cách ghi trên nhãn là dành cho trẻ em trên 36 tháng tuổi, để trốn tránh việc kiểm tra chất lượng…
 

Phúc Văn