Ví điện tử là hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt đang rất phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, các ứng dụng ví điện tử tại Việt Nam hiện vẫn chiếm tỷ trọng khá thấp so với các hình thức thanh toán khác, đặc biệt là bằng tiền mặt.

 


Yếu thế so với các hình thức thanh toán khác

Dù có đến khoảng 40 triệu người sử dụng internet, tuy nhiên, lượng người sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến hiện vẫn ở mức thấp.

Theo báo cáo thương mại điện tử năm 2014 của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin (VECITA), chỉ khoảng 6% người dùng ví điện tử trong số các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt. Hình thức chuyển khoản vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất và có xu hướng tăng qua các năm (97% doanh nghiệp sử dụng hình thức chuyển khoản trong thanh toán thương mại điện tử).

Ngoài ra, cũng theo báo cáo của VECITA, việc chỉ có 15% doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử - sân chơi chính của các ứng dụng ví điện tử, đã khiến loại hình thanh toán này vẫn chưa thật sự phổ biến tại Việt Nam.

Theo số liệu công bố sàn giao dịch thương mại điện tử sendo.vn (thành viên của Tập đoàn FPT), khách hàng giao dịch chủ yếu vẫn chọn hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng (Cash on delivery - COD), chiếm đến 72% trong số các hình thức thanh toán.

“Việc khách hàng chuộng hình thức thanh toán COD khiến chi phí hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn tăng cao hơn, do khả năng hủy đơn hàng của đối tượng này cao hơn hẳn so với đối tượng đã thanh toán trực tuyến”, ông Trần Hải Linh chia sẻ.

Bảo mật cũng là một nguyên nhân khiến việc thanh toán qua ví điện tử nói riêng và các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt nói chung gặp nhiều khó khăn. Dù đã có khoảng 80% doanh nghiệp có chính sách bảo vệ thông tin cá nhân (theo báo cáo của VECITA năm 2014), tâm lý e ngại lộ thông tin cá nhân khiến người dùng vẫn chưa mặn mà với hình thức thanh toán qua ví điện tử.

Dù vậy, ông Alexandre Dardy, Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, cho biết sàn thương mại điện tử có thị phần lớn nhất Việt Nam này sẽ tiếp tục hướng người dùng sử dụng các ứng dụng công nghệ cao trên nền tảng di động, trong đó có thanh toán qua ví điện tử.

“Lazada sẽ cải tiến công nghệ giúp ích cho việc mua hàng thuận tiện và bảo mật như phát triển các ứng dụng điện thoại, phát triển hệ thống sinh thái thanh toán qua điện thoại, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, khuyến khích khách hàng tiếp cận nhiều hơn với hình thức cho vay tiêu dùng như giới thiệu các công ty cung cấp dịch vụ tài chính”, ông Dardy khẳng định.

Hình thức bảo mật 2 yếu tố (Two-factor authentication - cung cấp mật khẩu và phải cầm trên tay điện thoại được sử dụng để giao dịch) đã được nhiều đơn vị cung cấp ứng dụng ví điện tử triển khai gần đây, điển hình là MoMo.

Nhờ những hình thức bảo mật tiên tiến và tiện dụng, ví điện tử đang là cầu nối giữa ngân hàng với người tiêu dùng và được các chuyên gia trong ngành hy vọng sẽ là công nghệ thanh toán phổ biến trong thời gian ngắn sắp tới.

 

Theo NTD

.