Tết này sẽ có người dùng toàn hàng Thái. Bánh kẹo, trái cây dùng để tiếp khách, thậm chí cả đồ thờ, hương nhanh... hàng Thái đều có hết. Không những thế, hàng thực phẩm, gia vị dùng trong nấu ăn, cũng "Thái".
Hàng tiêu dùng Thái Lan đang quay trở lại trên mọi ngõ ngách các đô thị cho đến chợ và siêu thị lớn. Đã có những con phố chuyên hàng Thái, siêu thị đồ Thái lớn dần trên đất Việt Nam. Sau hàng Trung Quốc giá rẻ, hàng Thái lại là nỗi lo lớn của DN Việt.
Con phố hàng Thái
Ở TP Hồ Chí Minh, cả một đoạn phố Điện Biên Phủ (Quận Bình Thạnh) chuyên bán dép Thái Lan chỉ 30.000-55.000 đồng/đôi. Dép được chất thành đống bán ngày đêm làm cho dép Việt mất hút.
Trong khi đó, ở TP Vinh (Nghệ An) đang hình thành một con phố với nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh hàng Thái trên đường Hồng Bàng. Tại đây, có đủ các loại hàng gia dụng như khăn giấy, bát đũa, bột giặt, nước xả vải, nồi cơ điện, máy xay sinh tố, đến hàng lương thực, thực phẩm như bánh kẹo, nước ngọt, gạo các loại...
Trên tuyến đường này còn có cả cửa hàng bán đồ trang sức bằng bạc Thái.
Thực tế, trên cả nước, các cửa hàng bán hàng Thái Lan xuất hiện ngày càng nhiều. Tại Hà Nội, 2 năm trở lại đây đã có trào lưu mở shop hàng nhập khẩu từ Thái Lan. Đến nay những cửa hàng như thế đã mọc lên ở khắp mọi con phố, mọi khu dân cư. Tại TP. Hồ Chí Minh, số lượng các cửa hàng Thái nhiều hơn gấp nhiều lần.
Không chỉ các thành phố lớn mà tại các địa phương, hàng Thái cũng ngày càng tung hoành. Người Việt dường như đã tìm lại cảm tình đã dành cho hàng Thái Lan cánh đây chừng 20 năm với các nhận xét như: chất lượng khá, mẫu mã khá ổn, giá hợp lý hơn hàng Việt và khỏi cần khỏi cần so sánh với hàng Tàu.
|
Hàng tiêu dùng Thái Lan đang quay trở lại trên mọi ngõ ngách các đô thị cho đến chợ và siêu thị lớn |
Hội chợ bán lẻ hàng Thái Lan mỗi năm tổ chức hai lần mỗi năm ở Hà Nội luôn đông khách với hàng trăm gian hàng và cả chục ngàn lượt khách đến mua bán. Người tiêu dùng Việt đến đây mua đủ thứ phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày mà hàng Việt và hàng Tàu cũng bày bán nhan nhản, không hề hiếm, từ dầu gội, sữa tắm đến những thứ nhỏ nhất như cái tăm, giấy, muối ăn và cả hương đốt...
Với đà này, một chuyên gia phân phối đã phải thốt lên, có khi tết này sẽ có người dùng toàn hàng Thái. Bánh kẹo, trái cây dùng để tiếp khách, hàng "Thái" thậm chí cả đồ thờ, hương nhanh hàng Thái có hết. Không những thế hàng thực phẩm, gia vị dùng trong nấu ăn, cũng "Thái".
Theo chủ một cửa hàng bán hàng Thái ở Thanh Xuân, thời điểm này họ đang phải chuẩn bị hàng cho tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Thường vào dịp lễ Tết, số lượng khách tìm đến các cửa hàng Thái rất đông, có thể gấp 5-6 lần so với ngày thường.
|
Đã có những con phố chuyên bán hàng Thái Lan |
Trào lưu 'đánh' hàng Thái trở lại
Một công ty chuyên kinh doanh hàng Thái Lan ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, có không dưới 100 cuộc điện thoại mỗi ngày, gọi đến công ty nhờ chuyển hàng từ Thái Lan về Việt Nam, hay mua hộ trực tiếp từ các khu chợ ở Bang Kok. Bên cạnh đó, cũng có hàng chục cuộc gọi, nhờ tư vấn để sang Thái Lan tìm mua hàng, như mua ở đâu giá rẻ, gửi hàng về nước bằng cách nào, đi phương tiện nào... mà chủ yếu là những cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ.
Hoàng Nam người Đà Nẵng, năm nay 25 tuổi, nhưng đã có thâm niên hơn 3 năm sống tại Thái Lan thông thạo tiếng Thái, anh còn am tường nhiều chợ ở Băng Kok. Về nước từ cuối năm 2012, nay Nam làm nghề dẫn khách sang Thái Lan mua hàng. Một tuần Nam thường sang Thái Lan 1 lần để dẫn khách. Chủ yếu là người Việt Nam sang mua hàng tiêu dùng về bán.
Nam kể, những người Việt tìm đường sang Thái "đánh" hàng, chủ yếu là các tiểu thương kinh doanh hàng tiêu dùng. Họ thường đi theo nhóm khoảng 3-5 người, phần lớn là những người đi lần đầu, còn rất bỡ ngỡ, tiếng không thạo, hàng hóa mua ở đâu cũng chưa nắm rõ...
|
Sau hàng Trung Quốc giá rẻ, hàng Thái lại là nỗi lo lớn của DN Việt. |
Tuy nhiên, Nam cho biết, với kinh nghiệm bán hàng lâu năm họ dễ dàng nhận ra mặt hàng nào mua về sẽ bán tốt và giá như thế nào là mua được. Sau mỗi chuyến đi như vậy, họ mua rất nhiều hàng, không chỉ xách tay mà còn gửi qua đường bộ về Việt Nam. Nhiều người sau 1-2 chuyến đi, thấy hàng mang về bán tốt thì tự đi, hoặc xây dựng mối quan hệ với các chủ hàng bên Thái và chỉ ngồi nhà alô khi cần lấy thêm hàng. Số lượng những tiểu thương "đánh" hàng Thái kiểu này càng ngày càng nhiều.
Mặc đến 2015 Việt Nam mới thực hiện các cam kết hội nhập khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, việc hàng loạt đại lý, cửa hàng bán hàng Thái Lan "mọc lên như nấm sau mưa", đang gây "bão" đối với thị trường bán lẻ Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 10 tháng đầu năm 2014 Việt Nam nhập khẩu 5,79 tỷ USD hàng hóa từ Thái Lan, trong đó nhập siêu lên tới 2,94 tỷ USD.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ hoàn toàn, hàng chở từ Thái Lan về Hà Nội hoàn toàn giống hàng chở từ Hải Phòng về Hà Nội.
Theo quá trình hội nhập, hàng hóa Thái Lan hay Singapore, Malaysia vào Việt Nam là chuyện rất bình thường, nó là một biểu hiện của xu hướng toàn cầu hóa với các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, ký kết.
Hàng Thái, vào Việt Nam sẽ giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn và là áp lực để DN trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa và gia tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, dưới góc độ là chuyên gia dự báo, nhiều người vẫn lo ngại các DN Việt Nam sẽ thua nhiều hơn thắng trong cuộc cạnh tranh không cân sức này.
Theo Vietnamnet