(BVPL) - Lợi nhuận lớn từ những chuyến hàng lậu khiến cho các đối tượng từ chủ hàng đến người vận chuyển đều bất chấp mọi cảnh báo, mọi quy định của pháp luật, tham gia vận chuyển, mua bán hàng lậu, gây thất thu ngân sách hàng ngàn tỷ đồng.
 
Tổng cục Hải quan cho biết, 10 tháng năm 2017, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 12.038 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 520,53 tỷ đồng, thu nộp ngân sách từ các vụ vi phạm 241,6 tỷ đồng.
 
Cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có nhiều diễn biến phức tạp
Cuối năm, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có nhiều diễn biến phức tạp
 
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã chủ động phối hợp với lực lượng công an, biên phòng đấu tranh, phát hiện nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong đó nhiều vụ các đối tượng rất manh động. Tức là các đối tượng có tạm nhập, có trung chuyển qua chúng ta nhưng đi dọc đường đã tự ý phá container đưa hàng vào trong nội địa tẩu tán, đưa container rỗng lên cửa khẩu, đưa hàng tập kết ở bên kia biên giới nhưng lại quay lại bằng các đường mòn. Hiện nay, chúng tôi đã bắt giữ và khởi tố một số vụ; Nhóm hành vi thứ hai cũng nổi lên đó là buôn lậu các mặt hàng có thuế tiêu thụ đặc biệt lớn, nhiều vụ có số lượng lớn; Một loại hình nữa là hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và hàng giả. Các đối tượng nhập hàng của Trung Quốc với đủ các chủng loại rồi dán mác xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ nội địa cũng như đi vào các thị trường ASEAN được hưởng các ưu đãi”.
 
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 nhấn mạnh: Có thể nói, ngoài những tồn tại trên thì những chính sách liên quan đến pháp luật cũng còn có những kẽ hở gây khó khăn cho lực lượng thực thi pháp luật. Ví dụ, vấn đề liên quan đến hóa đơn, chứng từ trong xác định vận chuyển hàng hóa; Vấn đề liên quan đến giám định hàng hóa, đặc biệt là một số các quy định pháp luật về vấn đề xử lý liên quan đến thuốc lá. Đây là những vấn đề đang được kiến nghị với cơ quan thẩm quyền để hướng dẫn, sửa đổi nhằm tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong quá trình thực thi, xử lý vi phạm.
 
Triển khai các giải pháp nhằm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chống thất thu ngân sách nhà nước là thông điệp luôn được Chính phủ nhắc tới. Ngoài các giải pháp như: lập kế hoạch chuyên đề, chốt chặn, mở cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra buôn lậu thì giải pháp từ nay đến cuối năm, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung vào các điểm nóng, đánh trúng đối tượng cầm đầu, phá ổ nhóm tụ điểm tập kết hàng hóa, tước giấy phép sản xuất những cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Sửa đổi chế tài xử phạt lên mức truy cứu trách nhiệm hình sự với đối tượng buôn lậu.
 
Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vào thời điểm cuối năm 2017 và giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 có nhiều diễn biến phức tạp, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã xây dựng kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong đó, yêu cầu các lực lượng chức năng gia tăng dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường hàng hóa, giá cả. Cục Quản lý thị trường triển khai thực hiện cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Các đội quản lý thị trường có địa bàn giáp ranh các tỉnh phải tăng cường công tác nắm tình hình theo dõi các luồng, tuyến nhằm đấu tranh có hiệu quả công tác chống và chuyển hàng nhập lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại, đặc biệt là đối với mặt hàng thuốc lá nhập lậu, pháo nổ, đường cát…
 
P.V