Chiều qua, 10-9, ông Nguyễn Như Hải, Tổng giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội cho biết, dự kiến, từ 1-10-2013, giá nước sạch sinh hoạt tại Hà Nội sẽ tăng 19,93%. Chưa hết, trong 2 năm tiếp theo (2014 và 2015), giá nước sẽ tiếp tục tăng đều đặn vào 1-10 hàng năm.
Dùng trên 30m3, tăng gần 30%
Tiếp sau tăng viện phí và giá điện, giá nước sạch sinh hoạt tại Hà Nội sẽ tăng từ 1-10-2013. Theo bà Vương Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Giá (Sở Tài chính Hà Nội) liên ngành thành phố đã báo cáo UBND TP xem xét, điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch trong 3 năm liên tiếp (2013, 2014 và 2015). Dự kiến, thời gian điều chỉnh giá nước sạch sẽ bắt đầu từ 1-10-2013. Trong các năm tiếp theo, giá nước sẽ điều chỉnh theo lộ trình 1-10 hàng năm (đến 2015). Năm 2016, liên ngành sẽ rà soát lại chi phí sản xuất để lập phương án giá mới áp dụng cho các năm tiếp theo. Cụ thể, từ 1-10-2013, mức giá nước sạch phục vụ sinh hoạt sẽ là 4.797 đồng/m3 (đối với 10m3 đầu tiên), tăng tương ứng 19,93%; từ 10-20m3 sẽ là 5.670 đồng/m3, tăng 20,63%; từ 20-30m3 là 6.979 đồng/m3, tăng 22,43%; từ 30m3 trở lên sẽ là 12.212 đồng/m3, tăng 29,91%. Từ 1-10-2014, mức giá nước sinh hoạt sẽ lần lượt là 5.773 đồng/m3, 6.819 đồng/m3, 8.410 đồng/m3 và 15.384 đồng/m3.
Mức giá đối với đơn vị sản xuất vật chất từ 1-10-2013 dự kiến là 8.818 đồng/m3, tăng 25,97%; đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ là 16.285 đồng/m3, tăng 35,48%. Theo đại diện Sở Tài chính Hà Nội, mức giá này không ảnh hưởng nhiều đến số lượng hộ gia đình sử dụng dưới 10m3 nước sinh hoạt/tháng (đối tượng chiếm trên 52% sản lượng nước bán lẻ). Nếu áp dụng mức giá mới, các hộ này chỉ phải trả tiền nước tối đa là 41.720 đồng/hộ/tháng, tăng thêm 6.940 đồng. Tuy nhiên, Sở Tài chính đã không đưa ra con số tính toán với các hộ dân sử dụng mức 20-30 m3 nước/tháng trong khi mức tăng lũy tiến với các m3 nước sau 10 m3 tăng rất mạnh. Cũng theo bà Vương Thị Thu Hằng, dù có tăng giá từ 1-10, giá nước sạch của Hà Nội vẫn thấp hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố khác. Chẳng hạn, Hải Dương đang áp dụng mức giá thấp nhất 6.200 đồng/m3; TP Hồ Chí Minh: 5.300 đồng/m3; Quảng Ninh: 6.200 đồng/m3...
“Chưa thỏa mãn”
Cho rằng việc tăng giá nước sạch là tình thế bắt buộc, ông Nguyễn Như Hải - Tổng giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội đưa ra hàng loạt lý do như các loại thuế, phí và chi phí đầu vào như tiền lương, giá điện, kinh phí công đoàn... đều đã tăng mạnh trong 3 năm qua (đợt điều chỉnh tăng giá nước gần nhất là từ 1-1-2010). Đơn cử, tiền điện bình quân tăng từ 948,5 đồng/kwh lên 1.508,85 đồng/kwh.
Trao đổi với báo chí về mức giá nước dự kiến sẽ tăng từ 1-10 tới, ông Nguyễn Như Hải thẳng thắn: “Chúng tôi chưa thỏa mãn với phương án tăng giá này. Nhưng vì rất nhiều yếu tố khác nên cũng đành phải chấp nhận. Đó cũng là khó khăn của ngành nước Hà Nội hiện nay. Bởi nếu tính đúng, tính đủ 100% giá thành thì giá 1 m3 nước sạch ở Hà Nội phải là 7.445 đồng”.
Lý giải về lộ trình tăng giá liên tiếp trong 3 năm, ông Nguyễn Như Hải cho biết, đây là yêu cầu của thành phố nhằm giảm tới mức thấp nhất ảnh hưởng tới đời sống người dân. Liên ngành cũng tính toán và chia nhỏ các đợt để giá nước sạch không tăng vọt, không gây sốc...
Theo đại diện ngành nước Hà Nội, tỷ lệ thất thoát nước sạch hiện nay của thành phố khoảng 27%. Phủ nhận việc tăng giá nước có liên quan tới tỷ lệ thất thoát nước, ông Nguyễn Như Hải nói: “Không có chuyện tăng giá nước để bù đắp cho thất thoát nước”. Cũng theo Công ty Nước sạch Hà Nội, năm 2013, đơn vị này có thể lỗ tới 185 tỷ đồng vì bán nước dưới giá thành. Phải tới năm 2015, sau 3 năm tăng giá liên tiếp, giá nước mới đảm bảo được giá thành và đủ bù lỗ cho năm 2013.
Theo An ninh Thủ đô