Nhờ được “tắm” phèn chua, đào Trung Quốc trở nên giòn ngon, da dẻ trơn bóng, bắt mắt người mua.
 
Những quả đào được ngâm rửa bằng phèn chua để tăng độ giòn
Những quả đào được ngâm rửa bằng phèn chua để tăng độ giòn
 
Tại các chợ đầu mối, chợ tạm hay các quán cóc vỉa hè Hà Nội hiện nay đều nhan nhản loại đào da xanh pha hồng, trơn bóng rất bắt mắt. Các chủ quầy hàng đều quảng cáo là loại đào SaPa quý, ăn rất giòn và ngọt. Giá từ 18.000 đồng tới 25.000 đồng một kg.
 
Theo các chủ quầy hàng, đào họ bán 100% là đào SaPa, không phải đào Trung Quốc. Tuy nhiên, một người bán hoa quả tại Phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm khẳng định, hoàn toàn là đào Trung Quốc.
 
“Loại đào bán ở các chợ, quán cóc hiện nay toàn là đào Trung Quốc, ăn rất giòn nhưng nhạt thếch. Hầu hết những người bán hàng đều quảng cáo là đào SaPa để qua mặt người mua”, người này cho biết.
 
Một tiểu thương bán đào ở chợ tạm Vân Trì (quận Bắc Từ Liêm) tiết lộ, người mua không dễ dàng phân biệt được đào SaPa chính hiệu và đào Trung Quốc “đội lốt” vì hình dáng bên ngoài rất giống nhau, chỉ có người bán hàng mới có kinh nghiệm phân biệt.
 
“Đào nhà chị bán là đào SaPa đấy chứ đào Trung Quốc ăn rất giòn, da dẻ trơn bóng rất bắt mắt. Trên quả đào xuất hiện các khe rảnh xuyên dọc trái đào, người mua không dễ để nhận ra đâu”, chị này nói.
 
Nghe nhiều người quảng cáo đào SaPa ăn rất ngọt, thơm ngon nên chị Mai (phường Minh Khai) ra chợ mua về ăn thử nhưng không ngờ mua phải đào “rởm”. Chị Mai phát hiện, da trái đào rất trơn bóng nhưng khi ăn thì rất nhạt, có quả lại ngọt hắt như tẩm hóa chất, nhiều trái còn xuất hiện các vết đốm nhỏ…
 
“Mua ăn thử một lần mà nghán ngẩm, chắc từ nay cạch mặt với loại đào này. Tưởng ăn ngon mà giá lại rẻ ai dè…” chị Mai than thở.
 
Thực tế, các quầy hàng bán đào này đều bán rất chạy vì vẻ ngoài trơn bóng, bắt mắt với hương vị thanh mát. Tuy nhiên, một số tiểu thương cho hay, để đào luôn tươi, không bị mềm nhũn và luôn giòn ngon thì hầu hết đều được hái khi còn xanh sau đó được “tắm” bằng dung dịch chứa phèn chua, rượu…để đào chín nhưng vẫn giữ được độ giòn.
 
Theo chuyên gia, phèn chua là hỗn hợp của sunfat nhôm và sunfat kali, có tên thương mại là alum. Đây là loại muối dạng tinh thể, không màu hoặc hơi đục, thường được ngâm với rau, củ, trái cây để làm tăng độ trắng, giòn cho sản phẩm...Đây cũng là chất được nhà máy nước dùng như chất keo tụ để làm trong nguồn nước.
 
Mặc dù, phèn chua được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong thực phẩm tuy nhiên do trong phèn chua chứa nhôm, nếu dùng số lượng lớn kết hợp với những thành phần độc hại khác là nguyên nhân gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là phát triển trí thông minh của trẻ em.
 
Theo Nhật Minh
(Vietq)