Sức hấp dẫn ngành đồ uống có cồn tại Việt Nam
Cập nhật lúc 17:53, Thứ tư, 06/08/2014 (GMT+7)
Báo cáo về "ngành đồ uống có cồn Việt Nam" mới được công bố của công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBankSc) cho thấy, trong khi khủng hoảng kéo theo sự đi xuống của hầu hết các ngành kinh tế, ngành nước đồ uống có cồn Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng ngược dòng với tốc độ trung bình 17.61%/năm trong giai đoạn 5 năm 2009-2013 (tính theo VND). Điều kiện khí hậu nóng ẩm, văn hóa ăn uống đã khiến Việt Nam luôn ở trong tốp đầu những nước tiêu thụ đồ uống có cồn mạnh trên thế giới. (hấp dẫn, ngành đồ uống, Việt Nam, cồn)
Báo cáo về “ngành đồ uống có cồn Việt Nam” mới được công bố của công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBankSc) cho thấy, trong khi khủng hoảng kéo theo sự đi xuống của hầu hết các ngành kinh tế, ngành nước đồ uống có cồn Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng ngược dòng với tốc độ trung bình 17.61%/năm trong giai đoạn 5 năm 2009-2013 (tính theo VND). Điều kiện khí hậu nóng ẩm, văn hóa ăn uống đã khiến Việt Nam luôn ở trong tốp đầu những nước tiêu thụ đồ uống có cồn mạnh trên thế giới.
Lợi thế, tiềm năng
Báo cáo chỉ rõ, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, với độ tuổi trong nhóm 15-40 tuổi chiếm gần một nửa, độ tuổi mà được đánh giá là có nhu cầu cao nhất về các loại đồ uống có cồn.
Xu hướng ăn ngoài hàng, đi bar pub đang gia tăng kéo theo sự phát triển của ngành. Sự xuất hiện và phát triển ngày càng nhiều của các công ty đa quốc gia, những thành phần kinh tế quốc tế cũng như sự hội nhập toàn cầu mạnh mẽ đã khiến người Việt Nam đang tạo cho mình những thói quen tiêu thụ mặt hàng bia, rượu và cocktail trong những cuộc hội nghị và dịp ăn uống. Các quán bar, khu vui chơi giải trí cũng là những địa điểm tiêu thụ nhanh và nhiều các mặt hàng nước có cồn này.
Bia vẫn là mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất, chiếm hơn 99% doanh số theo lít và 98% doanh thu của ngành đồ uống có cồn. Sản lượng và doanh số tiêu thụ vẫn không ngừng gia tăng với tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm qua đạt lần lượt là 14.81% và 5.48%.
Việc tham gia ký Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo cho ngành đồ uống có cồn ở Việt Nam có nhiều cơ hội mới như: Gia tăng xuất khẩu do các nước TPP xóa bỏ thuế quan theo cam kết, được áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, cơ hội thu hút đầu tư từ phía các doanh nghiệp Hoa Kỳ và các nước TPP khác vào ngành đồ uống Việt Nam, DN Việt Nam có cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Triển vọng phát triển trong tương lai gần
Ngành nước giải khát có cồn Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 5 năm tới. Hiện nay theo thống kê của Hiệp hội Bia- Rượu- Nước Giải khát Việt Nam, mức tiêu dùng bia rượu của người Việt Nam đang rất cao, đặc biệt là bia khi lượng tiêu thụ đứng đầu Đông Nam Á, và đứng thứ 3 Châu Á, chỉ thấp hơn so với một số nước Châu Âu. Và con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, việc tiêu thụ bia rượu vẫn có xu hướng tăng lên hằng năm. Đặc biệt, năm 2014 được ước tính là đánh dấu một sự tăng mạnh về lượng tiêu thụ bia rượu.
Về tình hình tài chính, ngành đồ uống có cồn Việt Nam không phụ thuộc quá nhiều vào nợ đi vay. Mức độ nợ/vốn chủ sở hữu của ngành cũng khá ổn định qua các năm, thậm chí tỉ lệ nợ cũng có xu hướng giảm dần. 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng doanh thu của nước giải khát được Cty khảo sát thị trường Business Monitor International (BMI) dự báo là dương. BMI đã dự báo lượng tiêu thụ đồ uống có cồn sẽ tăng lên 3.3 tỉ lít vào năm 2018. Doanh thu sẽ tăng với tốc độ trung bình là 11.19%/năm, đạt 290 nghìn tỉ vào năm 2018.
Nhìn chung, ngành đồ uống có cồn Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển nóng, thể hiện ở các tiêu chí như tăng trưởng nhanh so với trung bình các ngành kinh tế trong nước, và ngành nước giải khát thế giới, số lượng sản phẩm tăng, ngày càng mới lạ, nhu cầu đầu tư vào công nghệ và phát triển sản phẩm lớn. Sự gia nhập của nhiều doanh nghiệp sản xuất nước ngoài sẽ khiến cho thị trường đồ uống có cồn nội ngày càng trở nên sôi động hơn.
Theo Lao động
.