Cũng như nhiều mặt hàng khác, sữa “xách tay” đang là mặt hàng khiến nhiều tín đồ tiêu dùng săn đón. Bởi tâm lý hàng “xách tay” là hàng nhập ngoại thường có chất lượng tốt, và vì là “xách tay”, đồng nghĩa là mặt hàng trốn thuế nên giá cả sẽ rất hợp lý. Thế nhưng ít ai nghĩ rằng, hàng “xách tay” cũng là một loại hàng hóa trôi nổi, không được kiểm soát trên thị trường về mặt chất lượng…

 


Lũng đoạn thị trường


Hiện nay, có rất nhiều trang web quảng cáo bán các mặt hàng sữa “xách tay” với nhiều thương hiệu khác nhau được giới thiệu có nguồn gốc từ Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hà Lan, Singapore... Dạo một lượt trên các trang web quảng cáo bán sữa “xách tay”, chúng ta dễ dàng gặp một trang web chuyên bán sữa “xách tay” mang tên suaxachtay... rao bán đủ các loại sữa của Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ như: XO, Similac, Wakodo... mà người tiêu dùng (NTD) không thể kiểm chứng về nguồn gốc. Bên cạnh đó, còn có hàng trăm các trang web khác quảng cáo bán các mặt hàng sữa này. Đánh vào tâm lý NTD thích hàng ngoại, các trang web bán các mặt hàng với mác “xách tay” ngày càng nhiều mà chất lượng sản phẩm được bán các trang web này thì chưa có cơ quan nào kiểm định, người bán quảng cáo sao thì người mua biết vậy vì tất cả thông tin của sản phẩm đều được in bằng tiếng Anh, không có nhãn phụ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt.

Còn nhớ vào giữa năm 2012, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi… đã bắt giữ hàng ngàn sản phẩm sữa “xách tay” giả nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc. Ấy thế mà NTD sính hàng ngoại cứ lao vào mua với giá thành không phải rẻ, còn chất lượng ra sao không rõ, chỉ biết tin vào... lời quảng cáo của người bán. Đến khi có những vụ sữa hàng “xách tay” giả bị phát hiện thì nhiều tín đồ tiêu dùng mới hoang mang bởi chất lượng của mặt hàng thiết yếu này không được đảm bảo.

Vào kho Google…, chỉ cần gõ cụm từ “sữa xách tay”, chỉ trong vài giây, chúng ta đã nhận được hàng nghìn kết quả về thông tin sản phẩm và các địa chỉ rao bán. Không riêng gì trên mạng mà ngoài thị trường TP HCM  và Hà Nội cũng không thiếu gì những cửa hàng bán sữa loại… “xách tay”, khiến hoạt động buôn bán mặt hàng sữa “xách tay” cũng sôi động không phần kém cỏi so với thị trường online. Thậm chí, trên địa bàn TP HCM còn có nguyên một phố sữa “xách tay”, đó là đường Nguyễn Thông - quận 3. Cuối con đường này, đoạn đường chỉ dài khoảng 500m mà có tới gần chục cửa hàng chuyên kinh doanh sữa và cửa hàng nào cũng bán mặt hàng sữa “xách tay”.

Không chỉ có mặt ở các cửa hàng chuyên kinh doanh sữa mà trên thị trường hiện nay sữa “xách tay” còn len lỏi vào các cửa hàng tạp hóa có bán kèm các sản phẩn sữa. Khi được hỏi, hầu hết người bán đều tư vấn: Em yên tâm, sữa “xách tay” ở thị trường Việt Nam phần lớn là sữa Ensure dạng bột và nước đóng lon của Abbott được đưa về từ Mỹ hoặc Singapore. Loại sữa này bán chạy, giá rẻ hơn hàng phân phối từ Cty, vì không phải đóng thuế nhập khẩu, mà chất lượng hàng “xách tay” thì yên tâm khỏi bàn…”.
 

Sữa “xách tay” đang náo loạn thị trường mà vẫn bị… “ngó lơ”! Ảnh: N.Khuê
Sữa “xách tay” đang náo loạn thị trường mà vẫn bị… “ngó lơ”! Ảnh: N.Khuê


Lỗ hổng quản lý

Được hiểu nôm na là hàng không phải nộp thuế NK nên giá có mềm hơn, lại đúng là hàng “xịn” từ nước ngoài sản xuất. Về phía người bán đương nhiên là sẽ chứng minh, quảng cáo đây là hàng “xịn”, được “xách tay” về với giá rẻ hơn hàng chính hãng. Vậy nên các cửa hàng này luôn đông khách, lượng hàng hóa tiêu thụ rất lớn, thậm chí lớn hơn cả những cửa hàng bán hàng nhập khẩu (NK) chính hãng. Những tấm biển “sữa xách tay”, dù treo to đẹp đàng hoàng tại một cửa hàng lớn trên phố lớn hay nhỏ bé, khiêm tốn lấp ló ở đâu đó trong những ngõ nhỏ, nhà cao tầng, hay hiển hiện tràn ngập trên mạng internet... đều được khách hàng ngầm hiểu đây là hàng NK, được nhập (xách tay) theo tiêu chuẩn hành lý của người XNC từ nước ngoài về (hoặc theo tiêu chuẩn của cư dân biên giới).

Theo quy định, hàng hóa đi theo hành lý xách tay của hành khách XNC, hay hàng hóa thuộc tiêu chuẩn cư dân biên giới đều có hạn định nhất định, không phải muốn mang theo bao nhiêu thì mang, và không phải hàng hóa gì cũng được xem là “hành lý” để được ngang nhiên NK và không phải nộp thuế. Việc hành khách mang theo hành lý quá tiêu chuẩn (hàng thuộc diện được phép NK và đối với một số lượng nhất định theo quy định) sẽ bị cơ quan kiểm tra chức năng kiểm soát và thu thuế. Vậy nên thông thường sẽ không có chuyện hàng “xách tay” lại có thể về ùn ùn và tràn ngập thị trường như vậy. Một vấn đề được đặt ra là vì sao những cửa hàng này lại ngang nhiên xuất hiện khắp nơi, bày bán hàng công khai như vậy. Nhan nhản trên mạng đã đành, rất nhiều phố, ngõ xuất hiện các cửa hàng trưng biển “sữa xách tay”(?)

Thị trường kinh doanh sữa “xách tay” đang diễn ra khá rầm rộ và công khai. Đây thực chất là một dạng nhập lậu hàng hóa, không chỉ gây thất thu thuế cho Nhà nước, mà quan trọng hơn nữa là chất lượng của các mặt hàng sữa “xách tay” này đang bị thả nổi, không có cơ quan, đơn vị nào chịu trách nhiệm. Mặc dù là theo quy định, cơ quan quản lý đã có đủ lý do để “ngó” đến những cửa hàng này. Nếu là hàng NK theo tiêu chuẩn hành lý của hành khách XNC thì hàng phải có giấy ký gửi bán hàng của khách hàng và quan trọng sẽ không thể có nhiều hàng để bày bán như vậy. Nếu là hàng NK thì phải có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc NK. Tin chắc kiểm tra kỹ ra, không phải cửa hàng nào cũng có đủ các giấy tờ này. Nếu hàng trốn thuế thì phải truy thu thuế, thậm chí tịch thu hàng hóa xử phạt theo quy định. Hơn nữa, việc trưng biển “hàng xách tay” xem ra là lừa dối khách hàng ít nhất là ở mặt quảng cáo, sau nữa, quan trọng hơn đó là việc lừa dối bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng nhập lậu. Thế nhưng hiện nay, mặt hàng sữa “xách tay” này đang bị “ngó lơ”!

Nguy cơ xảy ra ngộ độc cao

Tâm lý của nhiều người truyền tai nhau rằng mua sữa “xách tay” từ nước ngoài về chất lượng sẽ tốt hơn khiến thị trường càng trở nên sôi động. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đây là những mặt hàng “không được kiểm soát” và rủi ro khi gặp hàng kém chất lượng là rất cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về sữa, hàng xách tay không được kiểm tra trước khi ra thị trường nên không thể kiểm soát được chất lượng, điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm... Có một nguy cơ dễ dàng nhận ra mà rất nhiều người mua hàng xách tay gặp phải là không được nhận sự đảm bảo về mặt hàng hóa khi gặp những vấn đề như sữa vón cục hoặc con uống sữa bị nôn trớ liên tục… Bên cạnh đó, điểm khiến nhiều bậc phụ huynh không nên yên tâm nhất khi mua sữa “xách tay”, đó là nguồn hàng không ổn định do các loại sữa xách tay về theo đợt, có khi khan hàng cả tháng. Không những vậy, nhiều shop còn trục lợi, nhân cơ hội sữa khan hiếm đẩy giá sữa lên cao.

Chị Trần Thị Thu Hương - một tiểu thương chuyên buôn bán hàng xách tay cho biết: “Nhiều mặt hàng xách tay là hàng giảm giá, hàng sắp hết hạn sử dụng, hàng không có nguồn gốc rõ ràng được gom lại mang về Việt Nam để tiêu thụ và “móc túi” người Việt mua hàng “xách tay” vì sính ngoại. Sữa “xách tay” cũng giống như tất cả các mặt hàng khác, từ: mỹ phẩm, quần áo, điện thoại… được mang từ nước ngoài về Việt Nam. Những mặt hàng này đều không qua khâu kiểm tra chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Hàng xách tay đến được với người tiêu dùng phải chi trả cho tiền trung gian vận chuyển nên giá thành của sản phẩm bị đẩy lên rất cao. Để kiếm lợi nhuận và phù hợp với túi tiền của người mua, giới buôn hàng xách tay phải có nhiều “mánh khóe”. Ngoài nguy cơ mua phải hàng giả, hàng nhái, do quá trình vận chuyển hàng xách tay không đúng quy trình bảo quản có thể ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm. Nhất là đối với sữa bột và thực phẩm. Trong trường hợp NTD mua được hàng xách tay xịn nhưng có khi thành phần trong nhiều sản phẩm lại không phù hợp với người Việt Nam sử dụng.

Trường hợp “Sữa dê” Danlait từng bị phát hiện không đủ độ đạm theo tiêu chuẩn mới đây là bài học cho những “tín đồ” sính hàng ngoại. Trên thực tế Danlait chỉ là thực phẩm bổ sung, nhưng khi về bán ở thị trường Việt Nam lại được quảng cáo là sữa dê. Người sử dụng “Sữa dê” Danlait không những bị móc túi trong một thời gian dài mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển con em mình. Đó là chưa kể đến nguy cơ xảy ra ngộ độc sữa, hay những “tai nạn” có thể xảy ra do sữa “xách tay” mà NTD không thể được bảo vệ mà nhiều người vẫn coi thường đến quyền lợi của chính mình.


Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, với bất kỳ loại sữa nào, trước khi sử dụng phải đọc kỹ hướng dẫn ghi trên vỏ hộp để tránh tình trạng hướng dẫn một đằng, sử dụng một nẻo. Thực tế cho thấy các sản phẩm được gọi là xách tay này hầu như là không có nhãn phụ tiếng Việt. Nguy cơ hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái rất cao. Sữa xách tay không có nhãn phụ bằng tiếng Việt trong khi không phải ai cũng có thể đọc và hiểu tiếng Anh, Đức, Nhật…

 

Theo Pháp luật xã hội

.