Trà Đài Loan là thức uống ưa thích của không ít người song thật giật mình khi phát hiện nhiều sản phẩm trà của một chuỗi cửa hàng nổi tiếng ở đây bị nhiễm thuốc trừ sâu.

 


Tính tới ngày 6-5, cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Đài Loan (Trung Quốc) đã thu hồi khoảng 35,7 tấn trà sau khi phát hiện một số sản phẩm của chuỗi cửa hàng bán trà nổi tiếng ở hòn đảo này nhiễm thuốc trừ sâu. Cùng ngày 6-5, cơ quan này thông báo đã lấy mẫu 388 sản phẩm trà của chuỗi cửa hàng trà Stornaway và phát hiện 33 mẫu chứa dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng cho phép.

Việc phát hiện và thu hồi sản phẩm của chuỗi cửa hàng Stornaway tại Đài Loan bắt đầu từ trung tuần tháng 4 vừa qua khi cơ quan chức năng tại khu vực Đài Nam (miền nam Đài Loan) phát hiện một số sản phẩm trà của chuỗi cửa hàng này chứa dư lượng thuốc trừ sâu DDT vượt mức cho phép. Theo đó, cả 3 sản phẩm đang bán chạy là trà Earl Grey (trà hương xạ), Ceylon (trà Tích lan) và Darjeeling (trà đen) của   Stornaway đều chứa dư lượng thuốc trừ sâu.

Điều đáng nói là kết quả xét nghiệm trên được đưa ra sau tiến hành xét nghiệm các mẫu trà do chính Stornaway tự nguyện gửi tới cơ quan phụ trách về thực phẩm và y tế ở Đài Nam. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, Stornaway đã đưa tổng cộng 330 kg trà Earl Grey, 150 kg trà Ceylon và 240 kg của trà Darjeeling ra khỏi menu đồ uống của tất cả 96 cửa hàng trên khắp Đài Loan.

Cùng đó, khi nhận được thông báo về một số sản phẩm trong chuỗi cửa hàng Stornaway nhiễm thuốc trừ sâu, cơ quan y tế của thành phố Đài Bắc ở miền bắc Đài Loan đã lập tức kiểm tra văn phòng Đài Bắc của hãng Chou Jae – doanh nghiệp cung cấp sản phẩm trà cho chuỗi cửa hàng này, thu giữ tổng cộng 600 kg của 3 loại trà “bẩn” trên. Chưa dừng lại ở đó, giới chức Đài Loan đã ra lệnh đóng cửa các cửa hàng có bán 3 loại trà Earl Grey, Ceylon và Darjeeling để chờ điều tra.

Việc phát hiện các sản phẩm của chuỗi cửa hàng Stornaway nhiễm thuốc trừ sâu DDT đã làm dấy lên lo ngại về an toàn trà trên khắp Đài Loan. Theo báo cáo ban đầu của Công ty Chou Jae, họ nhập khẩu các sản phẩm trà này từ Sri Lanka vào cuối tháng 3 vừa qua.

Hiện nay, tất cả các loại thuốc trừ sâu DDT đều đã bị cấm trên thế giới do những tác hại của nó với môi trường và đặc biệt là sức khỏe con người. Thuốc trừ sâu DDT không chỉ diệt sâu, côn trùng có hại mà diệt cả những côn trùng có ích, có thể làm biến đổi cân bằng tự nhiên của hệ sinh thái, gây ô nhiễm đất, nước, không khí… Đối với con người, loại thuốc trừ sâu này có thể gây tử vong nếu ngộ độc cấp tính hay dẫn tới các bệnh về thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, tim mạch, ung thư… sau 3-5 năm nếu bị nhiễm liều lượng ít và gián tiếp qua thực phẩm.

Không chỉ tại Đài Loan, việc phát hiện trà nhiễm thuốc trừ sâu còn gây lo lắng ở nhiều nơi khác đang sử dụng sản phẩm trà này. Trong khi đó, theo cơ quan thực phẩm và dược phẩm Đài Loan, các đối tượng vi phạm trong vụ bê bối trà “bẩn” mới nhất này có thể bị phạt tù tối đa 7 năm và bị phạt 80 triệu Đài tệ (hơn 2,6 triệu USD).
 

Theo ANTĐ

.