Cụ thể, hàng hóa vi phạm đa dạng không chỉ được sản xuất trong nước mà còn sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa vào thị trường trong nước tiêu thụ bằng nhiều đường khác nhau như: nhập khẩu chính ngạch, tiểu ngạch, nhập lậu, gian lận thương mại. 

Còn thị trường nội địa, tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa dịch vụ không đủ điều kiện về an toàn thực phẩm, vi phạm về tiêu chuẩn, đo lường chất lượng sản phẩm... Nổi lên tình trạng lợi dụng hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội và lợi dụng hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh, các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện các hành vi buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

leftcenterrightdel
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm.

Điển hình như mới đây, Đội QLTT số 4 thuộc Cục QLTT tỉnh Tây Ninh phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Công an tỉnh Tây Ninh vừa triệt phá 2 điểm kinh doanh trên nền tảng số (thương mại điện tử), thu giữ hơn 3680 đơn vị sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn, bao bì hàng hoá, hàng hoá nhập lậu, hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ; trị giá hàng hoá ước tính khoảng 292 triệu đồng.

Qua làm việc, bà Tô Hạnh Nhi (chủ hàng hóa) cho biết, số hàng hóa trên do ông Phan Trọng Hiếu (SN 2000, trú tại ấp Đông Tiến, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) đặt mua trôi nổi trên thị trường, trên mạng internet, không rõ địa chỉ, không có hoá đơn, chứng từ để bà Nhi sẽ bán trên các tài khoản thương mại điện tử do mình đăng ký. Ông Hiếu cho biết, số hàng hóa trên đều không có hóa đơn, chứng từ, là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả mua trôi nổi trên thị trường với giá thấp hơn so với sản phẩm thật, sau đó đăng bán trên các tài khoản do mình đăng ký trên sàn thương mại điện tử.

Tại tỉnh Tiền Giang, trong 10 tháng năm 2024, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra 143 vụ, phát hiện 132 vụ vi phạm, đã xử lý 126 vụ, thu phạt gần 1,7 tỉ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 3,1 tỉ đồng, buộc tiêu hủy gần 1.400 đơn vị sản phẩm (mỹ phẩm, thuốc lá điện tử, nước giải khác,..), với tổng giá trị trên 500 triệu đồng; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông trên thị trường trên 2.000 đơn vị sản phẩm (vàng trang sức, quần áo may sẵn, phân bón).

Kiểm tra, kiểm soát thị trường, lĩnh vực thương mại điện tử là một trong những nội dung trọng tâm được Cục QLTT tỉnh Tiền Giang tập trung thực hiện trong năm 2024. Qua kiểm tra cho thấy, hành vi vi phạm chủ yếu như: không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; buôn bán thuốc lá điện tử, mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; vàng trang sức, xe môtô hai bánh vi phạm nhãn...

Đặc biệt, vừa qua, Đội 4, Cục Điều tra chống buôn lậu Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đồng Nai, Cục Hải quan Đồng Nai kiểm tra lô hàng thuộc tờ khai vận chuyển độc lập do một doanh nghiệp tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh vận chuyển, đã phát hiện 20.950 cây thuốc lá giả nhãn hiệu Marlboro, Modern. 

Được biết, lô hàng thuốc lá điếu nêu trên được vận chuyển từ Campuchia, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam đi Benghazi, Libya. Doanh nghiệp mở tờ khai vận chuyển độc lập tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hoa Lư - Cục Hải quan Bình Phước, vận chuyển đường bộ đến cảng Đồng Nai, sau đó thay đổi phương thức vận chuyển bằng sà lan đến cảng Cái Mép để lên tàu đi Libya. 

Theo khai báo của doanh nghiệp, hàng hóa là thuốc lá điếu, hàng mới 100%. Trị giá hàng hóa hơn 2.790USD. Qua kiểm tra thực tế, cơ quan Hải quan xác định, hàng hóa chứa trong container là thuốc lá điếu, gồm 5 loại, nhãn hiệu Malboro trắng; Malboro đỏ và nhãn hiệu Mordern là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Hiện, Đội 4 đang phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đồng Nai xử lý đối với lô hàng nêu trên.

Đáng nói, số liệu của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2024 cho thấy, số vụ khởi tố: 810 vụ (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023); số đối tượng bị khởi tố: 1.132 đối tượng (tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2023).

Trước tình hình thực tế đó, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh Nam Bộ cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch và văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia của Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND tỉnh, thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Thực hiện cơ chế phối hợp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiệu quả và thực chất; tăng cường trao đổi thông tin về tình hình, kết quả, phương thức, thủ đoạn; chủ động phối hợp các lực lượng, địa phương có giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Chủ động phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xác minh, xử lý bảo đảm bí mật, kịp thời, hiệu quả các thông tin đường dây nóng. 

Đồng thời, tiếp tục rà soát xử lý khó khăn, vướng mắc về thể chế văn bản quy phạm pháp luật, quan hệ phối hợp và khó khăn, vướng mắc khác, tham mưu trình cấp, cơ quan thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Theo số liệu của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ, trong 9 tháng đầu năm 2024, các địa phương đã phát hiện, bắt giữ và xử lý tổng số 39.017 vụ (giảm 32,7 % so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu: 6.118 vụ (giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2023); gian lận thương mại, gian lận thuế: 31.473 vụ (giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2023); hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ: 1.426 vụ (tăng 13,7 % so với cùng kỳ năm 2023).

Hải Tường