Hiện nay, các chợ đang mất dần khi hàng loạt những cửa hàng tiện ích, siêu thị mọc lên ngày một nhiều, còn người nghèo thì khó có nơi mua hàng.


Người nghèo không biết mua hàng ở đâu

“Siêu thị tiện lợi hơn đi chợ rất nhiều, có đủ các loại mặt hàng, không phải mặc cả, sợ mua gian, bán lận”, bà Nguyễn Thị Yến, một nội trợ cho biết. Theo bà Yến, các mặt hàng trong siêu thị đều không quá mắc, lại đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu có vấn đề còn có người chịu trách nhiệm. Còn ở một số chợ đa phần là bán rong, hàng hóa, thực phẩm khó kiểm chứng được thật giả, nên đáng ngại hơn.

Không thể phủ nhận những tiện ích mà siêu thị đem lại, nhưng đối với đại bộ phận người dân có mức thu nhập dưới trung bình, thì việc mất chợ sẽ ảnh hưởng rất lớn tới họ. Phần đông dân TP. HCM đều là người nhập cư, điều kiện kinh tế khó khăn, nên việc mua sắm ở siêu thị rất hạn chế hoặc gần như không có.

“Công nhân chúng tôi lương bèo bọt 3 triệu/tháng, làm tăng ca cả tuần cũng chỉ kiếm thêm được vài trăm, tiền đâu mà đi siêu thị”, chị Nguyễn Như Hiền, công nhân ở khu chế xuất Linh Trung, tâm sự.

Chị cũng nói thêm, muốn đi siêu thị thì phải cầm ít nhất vài trăm đến 1 triệu đồng, coi như đi đứt 1/3 tháng lương. Có khi vài tháng, cả năm tiết kiệm thì mới đi được một lần. Cũng chỉ dám mua mấy đồ lặt vặt và một ít đồ dùng cá nhân, còn đồ ăn thì ra chợ cho rẻ và tiết kiệm thời gian. “Chúng tôi vẫn thích đi chợ hơn, nhanh gọn mà rẻ, lại có nhiều hàng tươi, sống, đồ ăn đa dạng”, bà Linh, người dân cạnh đó nói thêm.

Chính vì mất chợ, không có chỗ mua, mà các chợ tự phát nổi lên, thành vấn nạn gây kẹt xe, cản trở, ô nhiễm, làm khổ bao nhiêu khu dân cư, con phố và trở thành vấn nạn ở những thành phố lớn như TP. HCM.
 

Theo ĐS&PL

.