(BVPL) - Cụm từ an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cách đây hơn 15 năm ít người nhắc đến, nhưng đến nay an toàn thực phẩm (ATTP) là câu nói thường trực được nhiều người sử dụng. Theo điều tra xã hội học hàng năm thì kiến thức, thực hành về ATTP của người sản xuất, chế biến, người tiêu dùng đều được nâng lên.

 


Thị trường thực phẩm trong nước cũng được quan tâm nhiều hơn: nhiều vùng nguyên liệu an toàn như: vùng rau sạch, chăn nuôi an toàn... đã được xây dựng. Nhiều nhà máy chế biến thực phẩm đã được thế giới chứng nhận về hệ thống ATTP. Hàng triệu lượt khách du lịch hàng năm vào Việt Nam sử dụng thực phẩm của chúng ta. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng lên đáng kể (cùng với những tiến bộ của y học thì thực phẩm cũng góp phần nâng cao tuổi thọ của người Việt Nam, trước năm 1960 tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 45 tuổi, đến năm 2015 tuổi thọ đã tăng lên trên 73 tuổi).

Công tác phối hợp liên ngành đã có nhiều cố gắng: 100% các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP ở các cấp, đồng thời thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay 19 tỉnh/ thành phố có Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP. Riêng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP do 01 đồng chí Phó Thủ tướng làm Trưởng ban và 2 đồng chí Bộ trưởng: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Phó Trưởng ban.

Đồng thời, giúp việc cho Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP còn có Tổ Công tác, định kỳ 3 tháng họp 1 lần, ngoài ra còn tổ chức rất nhiều cuộc họp đột xuất để giải quyết các sự cố về ATTP. Nhờ vậy, nhiều vụ việc về ATTP như sự cố ô nhiễm môi trường của Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa tại các tỉnh miền Trung, chất tạo nạc salbutamol, nước mắm, sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để dấm chuối, sầu riêng; dùng Vàng O nhuộm măng; chế biến mỡ bẩn, chế biến thịt lợn chết, gia cầm, thủy hải sản nhập lậu, sữa nhiễm khuẩn nhập lậu... đã được giải quyết nhanh chóng.

 Đối với việc quản lý ATTP trong xuất khẩu thực phẩm, từ năm 2011 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung giải quyết tương đối hiệu quả các rào cản kỹ thuật, giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu, tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu nông thủy sản, đảm bảo ổn định xuất khẩu nông lâm thủy sản vào các thị trường truyền thống và khai thông một số thị trường mới.

Bộ đã chỉ đạo đón tiếp và làm việc với hơn 50 đoàn thanh tra của các nước nhập khẩu đánh giá về hệ thống quản lý ATTP; đã hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu, duy trì và mở rộng thêm thị trường mới (rau quả xuất khẩu sang 50 nước, thủy sản xuất khẩu sang 120 nước/vùng lãnh thổ). Với các hoạt động giải quyết các rào cản của thị trường, tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu nêu trên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã góp phần tăng dần số lượng, sản lượng các sản phẩm nông sản chủ lực đi các thị trường trên thế giới, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng từ 25,1 tỷ USD năm 2011 lên 32,1 tỷ USD năm 2016.

Bộ Y tế đã tổ chức tốt việc cấp giấy chứng nhận xuất khẩu để giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm: giấy chứng nhận y tế, chứng nhận lưu hành tự do, riêng năm 2015-2016 đã cấp 1.399 giấy chứng nhận lưu hành tự do và chứng nhận y tế cho các sản phẩm thực phẩm xuất khẩu. Ngoài ra đã ký kết chương trình hợp tác với Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand để giúp các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận các thị trường khó tính...

Trong nhập khẩu thực phẩm, về sản phẩm nguồn gốc thực vật: Kết quả đã kiểm tra 272.570 lô có tổng trọng lượng là 18.539.794 tấn với hơn 50 loại mặt hàng nhập khẩu từ trên 60 quốc gia. Lấy 4.796 mẫu kiểm tra ATTP đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu. Kết quả phát hiện 40 mẫu (chiếm 0,83%) vi phạm các chỉ tiêu về ATTP. Số liệu kiểm tra hàng hóa có nguồn gốc thực vật nhập khẩu từ năm 2011-2016

Về sản phẩm có nguồn gốc động vật (bao gồm cả thủy sản): Đến nay có 45 nước với 5.712 cơ sở được xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật vào Việt Nam. Tổng khối lượng động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu (kể cả thủy sản) là 45.246 lô với trọng lượng 2.179.430 tấn, lấy 45.246 mẫu kiểm tra, phát hiện 357 mẫu (chiếm 0,79%)  vi phạm các chỉ tiêu về ATTP. (Số liệu kiểm tra hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu từ năm 2011-2016).

 Đối với thực phẩm thuộc sự quản lý của Bộ Y tế, các lô hàng thực phẩm nhập khẩu phải tiến hành kiểm tra tại 1 trong 14 cơ quan kiểm tra nhà nước về ATTP do Bộ Y tế chỉ định và chỉ được làm thủ tục thông quan khi được cơ quan kiểm tra nhà nước cấp Giấy Xác nhận đạt yêu cầu nhập khẩu. Trường hợp không đạt xử lý theo 4 hình thức: tái xuất, tiêu hủy, chuyển đổi mục đích sử dụng, tái chế. Tính đến tháng 03/2017, các đơn vị chức năng đã kiểm tra 143.460 lô, trong đó có 254 lô không đạt (0,18%).

Bộ Y tế là Bộ đầu tiên kết nối 1 cửa quốc gia kiểm tra chuyên ngành đối với thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp  góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra, Bộ Y tế đã ban hành quy định kiểm tra thực phẩm nhập khẩu theo nguyên tắc quản lý rủi ro và thừa nhận các giấy chứng nhận của nước xuất khẩu giúp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa thực phẩm.
 

Minh Triết

.