Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố điều chỉnh tỷ giá đồng USD tăng thêm 1%, các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu sau một đêm mất hàng trăm tỷ đồng.
 
Ngành thức ăn chăn nuôi sẽ gặp khó. Ảnh: Phạm Anh.
Ngành thức ăn chăn nuôi sẽ gặp khó. Ảnh: Phạm Anh.
Doanh nghiệp nhập khẩu kêu trời
 
Ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng GĐ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, các DN nhập khẩu như Petrolimex chủ yếu thanh toán bằng ngoại tệ.
 
Do tỷ giá USD tăng nên tiền thanh toán bằng VND cũng tăng theo. Theo ông Năm, Petrolimex luôn ở trong trạng thái phải đi vay; nợ ngân hàng bằng ngoại tệ. Hơn nữa, khi bán hàng, nước ngoài thường cho trả chậm từ 30 đến 60 ngày.
 
Ông Năm cho biết, năm 2011 điều chỉnh tỷ giá, Petrolimex đã phải chịu khoản chênh lệch gần 1.800 tỷ đồng. “Đợt này, Petrolimex cũng mất đứt 190 tỷ đồng chỉ sau một đêm”, ông Năm nói.
 
Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam Lê Bá Lịch cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá lần này sẽ ảnh hưởng ngành thức ăn chăn nuôi. Bởi vì ngành này phụ thuộc vào 60-65% nguyên liệu nhập khẩu. Năm 2012, cả nước chi tới 3,9 tỷ USD nhập các loại nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; 5 tháng đầu năm 2013 cũng bỏ ra khoảng 1,2 tỷ USD.
 
Theo ông Lịch, tăng tỷ giá, các DN xuất khẩu mừng, còn nhập khẩu sẽ khó khăn hơn khi phải bỏ tiền ra mua ngoại tệ giá cao. Thời gian qua, giá nguyên liệu như khô dầu đậu tương, đậu tương, ngô, lúa mỳ... cám các loại, cước vận tải quốc tế đều tăng.
 
Lần này, chưa kể các loại phí ở cửa khẩu khi nhập về, việc nâng tỷ giá sẽ có thể khiến giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng trong thời gian tới. Điều này gây áp lực lên người chăn nuôi, nhất là trong cảnh người nuôi đang thua lỗ nặng.
 
Với các DN chế biến xuất khẩu gỗ, việc tăng tỷ giá dù sẽ tác động tích cực với xuất khẩu, nhưng với các DN nhập khẩu gỗ nguyên liệu cũng ảnh hưởng không nhỏ. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền-Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, hiện có một số DN chuyên nhập khẩu nguyên liệu gỗ đã dừng nhập, chuyển về làm nguyên liệu trong nước. Việc tăng tỷ giá, có thể khiến số DN này dừng nhập tăng lên, gây khó khăn nguyên liệu chế biến. Mặt khác, có thể DN nước ngoài, lợi thế về ngoại tệ sẽ nhảy vào để cung cấp nguyên liệu cho DN chế biến Việt Nam.
 
Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Nguyễn Tiến Nghi cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ tăng lên 1% chắc chắn ảnh hưởng đến các DN đang nhập khẩu thép. Hiện, sản phẩm thép và nguyên liệu sản xuất thép nhập vào Việt Nam mỗi năm khoảng 7 tỷ USD nên điều chỉnh tỷ giá sẽ tác động trực tiếp đến các DN đang khó khăn, nay càng khó khăn hơn.
 
Con dao hai lưỡi
 
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, khi tăng tỷ giá sẽ mất đi 1% tiền đồng, nhập khẩu nguyên liệu sẽ đắt hơn so với trước đây. Tức là, nguyên liệu để phân phối tiêu dùng trong nước, giá hàng nhập về sẽ đắt hơn.
 
Theo ông Thành, dù điều chỉnh tỷ giá có được lợi thế để gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi. Bởi vì Việt Nam nhập khẩu 90% nguyên liệu để sản xuất. Một khi giá hàng nguyên liệu nhập về tăng, giá hàng xuất đi cũng sẽ tăng.
 
Cũng theo ông Thành, hiện nay, tiền đồng đang được đánh giá không phản ánh đúng thực lực, yếu hơn nhiều so với thực tế. Nhưng bấy lâu nay, chúng ta cố gắng giữ mà không hạ tỷ giá hối đoái nên đến lúc cũng phải điều chỉnh.
 
“Nhập siêu ở Việt Nam chủ yếu nguyên liệu về gia công (rồi bán) chứ không phải hàng tiêu dùng. Do đó, giá nguyên liệu nhập về sẽ đội lên dẫn đến giá thành sản phẩm của mình cũng bị đội lên do tỷ giá thay đổi. Khi giá cả hàng hoá đội lên, sẽ tác động trực tiếp đến đời sống người dân vì các mặt hàng phải nhập khẩu (xăng dầu, sữa, lúa mỳ...) sẽ phải tăng thêm 1% phần giá phải trả cho nước ngoài”, ông Thành nói.
 
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá làm cho thị trường ngoại tệ minh bạch hơn vì sẽ không còn 2 loại giá cách xa nhau. Ngay cả hoạt động của các ngân hàng thương mại cũng không còn rối ren như trước đây.
 
Tuy nhiên, bà Lan cho rằng, việc tăng tỷ giá cũng có những mặt trái. “Muốn hay không, điều chỉnh tỷ giá cũng sẽ ảnh hưởng đến sự tăng giá các mặt hàng, tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao”, bà Lan nói.
 
Ông Bùi Kiến Thành cho biết: Điều chỉnh tỷ giá có được lợi thế để gia tăng xuất khẩu. Tuy nhiên, đây cũng là con dao hai lưỡi. Sở dĩ như vậy vì Việt Nam nhập khẩu tới 90% nguyên liệu để sản xuất. Khi giá hàng nguyên liệu nhập về tăng, giá hàng xuất đi cũng sẽ tăng”.
 
Theo PHONG CẦM - PHẠM ANH
    Tienphong.vn
.