Bên cạnh giới thiệu đặc sản của các địa phương đến với khách tham quan, mua sắm, phiên chợ hàng nông sản An Giang lần I-2017 còn là nơi cung cấp địa chỉ sản xuất nông sản an toàn với người tiêu dùng, đồng thời kết nối cung - cầu với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
 
 
Bên cạnh các đặc sản địa phương, Chủ tịch HND tỉnh Châu Văn Ly gợi ý HND các huyện, thị xã, thành phố khuyến khích nông dân, hợp tác xã đem thêm cây giống chất lượng, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ sang trưng bày, cung ứng tại phiên chợ. “Nhu cầu làm vườn hiện nay rất lớn nhưng bản thân người làm vườn rất ngại mua các loại cây giống trôi nổi trên thị trường. Nếu có các địa chỉ cung cấp cây giống tin cậy trên địa bàn tỉnh, kèm theo chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây, sẽ đáp ứng được nhu cầu của người dân” - ông Ly phân tích.
 
Cũng theo Chủ tịch HND tỉnh, ngoài phục vụ trực tiếp nhu cầu của người tiêu dùng, điểm nhấn của hội chợ là hoạt động kết nối cung - cầu, liên kết tiêu thụ nông sản của tỉnh. “Tại phiên chợ, Công ty TNHH MTV Thương mại - Dịch vụ Phan Nam sẽ ký hợp đồng tiêu thụ nông sản an toàn với một số hợp tác xã. HND tỉnh sẽ chọn những sản phẩm tiêu biểu nhờ HND TP. Hồ Chí Minh giới thiệu với các đầu mối tiêu thụ nông sản của thành phố. Qua đó, thúc đẩy kết nối đầu ra ổn định, lâu dài cho các sản phẩm của tỉnh” - ông Ly thông tin.
 
Nơi phô diễn đặc sản vùng miền
 
Sáng 23-6, phiên chợ sẽ chính thức khai mạc. Dịp này, HND tỉnh sẽ phối hợp Sở NN&PTNT tổ chức hội thi “Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu lần II-2017”. Ngoài tiêu chuẩn an toàn, chất lượng, các sản phẩm dự thi phải mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, có áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật và định hướng ứng dụng công nghệ cao, có hướng phát triển và khả năng nhân rộng…
 
Phiên chợ hàng nông sản An Giang lần đầu tiên hứa hẹn sẽ hấp dẫn khách tham quan, mua sắm. Trong số 35 gian hàng tham gia phiên chợ, ngoài 6 gian hàng của doanh nghiệp và 1 gian hàng của Ban Tổ chức, 28 gian hàng còn lại là của HND 11 huyện, thị xã, thành phố. Tại đây, đặc sản các địa phương sẽ có dịp phô diễn. Nếu như An Phú có dưa lưới, lúa sạch, đậu phộng giống, khô cá bổi, khô cá tra phồng, khô bò, lươn thịt; Châu Thành có gạo thơm Ngọc Nhân, nấm bào ngư, nấm rơm, lúa giống Phú Nông, rau an toàn trong nhà lưới, cam sành, quýt đường, thanh long ruột đỏ; TX. Tân Châu có tung lò mò, mắm cá mè vinh, bánh bò Út Dứt, rau màu các loại, xoài thơm Vĩnh Hòa, TP. Châu Đốc có mắm và hoa, kiểng. Trong khi đó, Phú Tân có khoai cao, rượu nếp, cá nàng hai, quýt đường, bánh phồng, nếp đóng gói, sản phẩm rèn, măng. Đối với TP. Long Xuyên, có rượu sầu đâu, rau an toàn, hoa kiểng, gạo hữu cơ, sữa bắp, dâu tằm ăn, bánh kẹo, rượu linh chi; Châu Phú có bưởi da xanh, nhãn, đậu bắp Nhật, củ cải trắng. Ở huyện cù lao Chợ Mới, bên cạnh các sản phẩm khô, còn có các loại bánh, bắp non, dưa xoài, dưa cóc, xoài 3 màu,... Thoại Sơn có khô cá lóc, tranh vỏ trấu, chanh, điên điển, mãng cầu, dừa. Tri Tôn và Tịnh Biên, các sản vật từng níu chân du khách được mang xuống phiên chợ là đường thốt nốt, bột huyền tinh, trái trúc, đinh lăng, rau rừng, rượu hồng quân, gạo Nàng Nhen…
 
“An Giang có nhiều sản phẩm ngon, hấp dẫn nhưng công tác xúc tiến, quảng bá còn chưa tương xứng. Tỉnh sẽ cố gắng duy trì phiên chợ hàng năm, tiến tới tổ chức thường xuyên hơn nhằm tạo ra kênh kết nối giao thương, xây dựng địa chỉ tin cậy cung cấp nông sản an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng” - Chủ tịch HND tỉnh Châu Văn Ly nhấn mạnh.
 
Theo Ngô Chuẩn (Báo An Giang)
.