Sản phẩm từ gạo: Thị trường ngày càng mở rộng
Cập nhật lúc 11:07, Thứ tư, 23/10/2013 (GMT+7)
Mấy năm gần đây để nâng cao giá trị hạt gạo, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm làm từ gạo như bánh tráng, bánh phở, hủ tíu, bún khô, các loại bột gạo,... Thị trường cho các loại sản phẩm này đang rộng mở ở trong nước lẫn xuất khẩu. (cháo ăn liền, bún ăn liền, mì gói)
Mấy năm gần đây để nâng cao giá trị hạt gạo, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm làm từ gạo như bánh tráng, bánh phở, hủ tíu, bún khô, các loại bột gạo,... Thị trường cho các loại sản phẩm này đang rộng mở ở trong nước lẫn xuất khẩu.
Không chỉ được ưa chuộng trong nước, các sản phẩm làm từ gạo còn được thị trường thế giới đón nhận khá tốt. Ông Lê Thế Khải - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM cho biết, không chỉ bán trong nước, các sản phẩm làm từ gạo của HTX như bánh tráng, bún, bánh phở đã xuất khẩu được qua các nước Pháp, Mỹ, Canada phục vụ cho Việt kiều.
“Hiện tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng này còn rất lớn, ở đâu có bà con chúng ta là ở đó có nhu cầu sử dụng đặc sản quê nhà. Nếu chúng ta đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm của các nước thì hàng chúng ta còn có thể vào các siêu thị lớn giới thiệu được đến với người nước ngoài” – ông Khải đánh giá.
Trao đổi với báo chí, ông Trang Sĩ Đức - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Bích Chi cũng cho biết, hiện công ty có hơn 100 sản phẩm chế biến khác nhau làm từ gạo. Các mặt hàng này đạt mức tăng trưởng hàng năm khoảng 10 – 20%, chủ yếu là từ xuất khẩu. Hiện công ty đang xuất khẩu các mặt hàng này qua các nước Mỹ, EU, Nhật Bản, Myanmar và đang xúc tiến xuất khẩu qua châu Phi. Dự kiến sẽ thâm nhập được trong năm nay.
Đại diện Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa - Miliket cũng cho biết mỗi năm sử dụng đến 10.000 tấn gạo để chế biến các sản phẩm ăn liền phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thông qua việc chế biến sâu hơn để tạo thêm giá trị gia tăng cho hạt gạo, các doanh nghiệp đã tăng được giá trị hạt gạo lên gấp 1,5 - 2 lần so với sản phẩm gạo xuất khẩu thông thường hiện nay. Như doanh nghiệp Lộc Sánh (Đồng Tháp), đã chế biến gạo ra thành tinh bột gạo (1 tấn gạo làm ra được khoảng 700kg bột) để xuất khẩu. Giá xuất khẩu khoảng 700 USD/tấn bột, nếu so với giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm ở mức 380 USD/tấn hiện nay, thì sản phẩm gạo qua chế biến xuất khẩu bán được giá cao hơn gấp khoảng 1,5 lần.
Đây là hướng phát triển mà các chuyên gia đang khuyên các doanh nghiệp xuất khẩu gạo VN hướng tới, tức gia tăng các sản phẩm chế biến có giá trị cao, chứ xuất thô như hiện nay đã không cạnh tranh lại với các nước Thái Lan, Ấn Độ.
Theo Dân Việt
.