Người Việt đang công khai đầu độc nhau mà không ai bị xử lý. Trong khi đó, các cơ quan quản lý thì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

 


Với một hệ thống quản lý liên ngành chằng chịt, chồng chéo như hiện nay (ít nhất 6 bộ quản lý 1 cây xúc xích) thì lẽ ra người dân phải an tâm vì có lưới bảo vệ rất an toàn. Nhưng thực tế thì không. Cách quản lý này khiến những người ăn lương từ tiền thuế của dân lại dễ tìm cách thoái thác nhất. Đơn cử như việc sử dụng Salbutamol trong thức ăn chăn nuôi.

Trong lúc “quả bóng vàng Sabutamol” chưa có chủ nhân, vẫn được đá đi, đá lại giữa các bộ, ngành thì hàng ngày, ở đâu đó người ta vẫn bắt được những vụ trộn salbutamol vào thức ăn chăn nuôi và tinh vi hơn là người ta mang sabutamol nguyên chất tới tận nhà, tận trang trại của người chăn nuôi để chào bán, để xúi họ trộn vào thức ăn. Đây chỉ là một số trong vô số những vụ việc dùng salbutamol trong chăn nuôi bị phát giác. Còn những vụ “lọt” thì vô kể, cùng với đó là những con lợn rất nạc chứa đầy sabutamol sẽ tiếp tục ngoi lên bàn ăn của mọi nhà. Bệnh tật ở đấy mà ra chứ ở đâu!

Còn nhớ, hồi cuối năm ngoái, Bộ NN và PTNT cho rằng có thể lượng Salbutamol dùng tạo nạc có nguồn gốc do lượng chất này nhập khẩu vào quá nhiều qua con đường phục vụ làm thuốc cho người nhưng được tuồn ra để nuôi lợn. Có con số được đưa ra là khoảng 68 tấn được nhập về trong 1 năm. Tuy nhiên, Bộ Y tế ngay sau đó có phản hồi là chỉ mới cấp phép cho nhập 3,5 tấn, và đây là hóa chất dùng để điều trị bệnh cho người không thể thiếu, đồng thời cũng đã quy định cấm sử dụng sai mục đích.

Nếu đúng như phản hồi của Bộ Y tế là chỉ cho nhập 3,5 tấn đủ để chữa bệnh cho người thì ở đâu ra mà nhiều Salbutamol đến thế? Nhiều đến mức mà dùng nó để nuôi lợn kiếm lời? Nhập lậu chăng? Cần một sự vào cuộc của cơ quan pháp luật để làm rõ trắng – đen.

Vì đâu nông dân lại hăm hở đầu độc chính đồng bào của mình? Ra chợ, mấy bà bán rau bảo, chính các ông bà ở phố làm cho người nông dân “hư”. Vì mang rau tưới nước, phân chuồng đi bán, ai cũng chê rau cứng không muốn mua. Đến khi về họ tìm tòi, “nghiên cứu” phát hiện ra dùng hóa chất, thuốc kích thích tăng trưởng, cây con vừa nhanh lớn, bớt công chăm sóc mà hàng lại bán đắt như tôm tươi.

Sau cái chết của một số người nổi tiếng vì căn bệnh ung thư, cả xã hội như trùng xuống, nhìn loại đồ ăn nào cũng thấy sợ vì nghi ngờ có hóa chất. Nhưng “ông anh ruột” không cho phép họ cưỡng lại được. Đành phải ăn. Ăn lại nguy cơ bị bệnh. Ôi cái vòng luẩn chết người!

Người Việt đang đầu độc nhau một cách công khai mà chẳng ai bị làm sao. Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát đã có lần bày tỏ sự bất lực trước Quốc hội vì không thể dẹp được nạn thực phẩm bẩn do chế tài xử phạt quá nhẹ. Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, “phải coi hành vi sản xuất thực phẩm bẩn là tội ác”. Tội ác đấy, hành động này không khác gì “giết người hàng loạt” đấy nhưng có ai bị xử lý hình sự đâu. Xử phạt dăm ba triệu rồi lại đâu vào đấy vì bị phạt vẫn lãi hơn kia mà.

Hình ảnh ngành nông nghiệp nước nhà đang bị bôi xấu bởi chính người Việt. Nông dân làm ra sản phẩm không tiêu thụ được thì kêu lên đến Chính phủ. Nhưng với cung cách làm ăn như hiện nay, không coi trọng chất lượng chỉ tập trung vào số lượng thì muôn đời sản phẩm của ta không thể chen chân được một các vững chắc trên các thị trường khó tính, tiềm năng như Mỹ, châu Âu.

Và nếu trong hệ thống quản lý Nhà nước vẫn còn những nhà quản lý với tư duy hàng nông thủy sản xuất khẩu bị trả lại, mang về luộc lên là ăn được hết; hay làm lượng chất cấm trong hoa quả là có nhưng ở giới hạn cho phép vẫn ăn được… thì người Việt Nam còn khổ, còn phải “cày cuốc” để dành tiền chữa bệnh, khổ hơn là những bệnh không có thuốc chữa.

Mong muốn của người dân về thực phẩm an toàn là rất chính đáng. Con số 150.000 người mắc ung thư mỗi năm chẳng nhẽ không lay động được trái tim các nhà quản lý? Dân chỉ mong rằng, các cơ quan quản lý đừng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau nữa mà hãy xắn tay vào việc đi./.
 

Theo VOV

.