leftcenterrightdel
Theo báo cáo, việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua Cổng thông tin một cửa quốc gia đã giúp doanh nghiệp giảm thời gian, chi phí.

Đây là một trong những kiến nghị tại Hội nghị công bố kết quả “Khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành năm 2021” hôm nay (3/11) do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USADID) tổ chức.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo báo cáo của nhóm nghiên cứu VCCI về mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành: Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đem lại những thay đổi tích cực về thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Số giờ thực tế cho việc thực hiện các thủ tục giảm trung bình từ 26-54%. Đặc biệt, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp ở hầu hết các thủ tục so với hình thức làm thủ tục truyền thống trước đây. Kết quả cho thấy, 10 trong số 12 thủ tục hành chính ghi nhận giảm chi phí khi làm thủ tục qua Cơ chế một cửa quốc gia, mức giảm trung bình từ 18-82%.

Ông Hoàng Việt Cường cho biết, Tổng cục Hải quan hy vọng rằng, qua báo cáo đo mức độ hài lòng này các bộ, ngành và các bên liên quan có được một cái nhìn khách quan về thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc triển khai thủ tục hành chính của cơ quan mình tại Công thông tin một cửa quốc gia, qua đó xác định được những tồn tại, vướng mắc để có những giải pháp cải cách đột phát hơn nữa.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: Báo cáo công bố ngày hôm nay cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những cố gắng của các cơ quan nhà nước. Tổng hợp kết quả khảo sát của trên 3.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong năm 2022, báo cáo phản ánh nhiều chuyển biến tích cực so với trước đây. Trong đó, số đông các doanh nghiệp cho biết Cổng thông tin một cửa quốc gia được vận hành tương đối tốt; quá trình thực hiện thủ tục trực tuyến trên Cổng thuận lợi hơn; việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua Công thông tin đã giúp giảm thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng quan sát thấy những chuyển biến tích cực tương tự trong lĩnh vực quản lý, kiểm tra chuyên ngành…

Còn theo ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Tổng cục Hải quan là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và là cơ quan đầu mối thực hiện Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, Bộ Tài chính.

Với mong muốn tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã, đang và sẽ nỗ lực hết sức phối hợp, hợp tác với các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính và hiện đại hóa các khâu thực hiện thủ tục trên cổng thông tin một cửa quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của Cơ chế này cũng như sẽ tích cực đẩy mạnh triển khai Đề án, hướng tới mục tiêu cải cách toàn diện và thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

leftcenterrightdel
 Các doanh nghiệp mong muốn đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, theo đại diện nhóm nghiên cứu của VCCI, kết quả khảo sát cũng cho thấy, có khoảng 59% doanh nghiệp đã gặp ít nhất một loại khó khăn nào đó, trong quá trình tuân thủ các thủ tục kiểm tra chuyên ngành; vẫn có tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành gây tốn kém về thời gian, chi phí thủ tục cho doanh nghiệp…

Do đó, các doanh nghiệp tiếp tục mong muốn các bộ, ngành có thêm nhiều nỗ lực nâng cao hiệu quả của Cổng thông tin và đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp; phải có cơ chế minh bạch và trao đổi thông tin rõ ràng hơn để cải thiện hoạt động tạo thuận lợi thương mại thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Cụ thể, thông báo công khai các nội dung, kế hoạch bảo trì, nâng cấp hệ thống để các bên liên quan có sự chuẩn bị; cập nhật kịp thời và đầy đủ tình trạng xử lý hồ sơ để tiện lợi cho doanh nghiệp tra cứu. Ngoài ra, các bộ, ngành cần cập nhật thường xuyên thông tin trên Công thông tin một cửa quốc gia khi có quy định mới.

Tập trung hoàn thiện những lĩnh vực, khâu quy trình còn phiền hà như: các thủ tục kiểm tra chuyên ngành nói chung đều có nhiều dự địa cải thiện, đặc biệt là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải. Cần tiến hành rà soát hoạt động “lấy mẫu kiểm tra” vì đây là khâu doanh nghiệp thường phản tình trạng gặp khó khăn…

Bên cạnh đó, cần giảm tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành. Theo đó, nghiên cứu giảm số mặt hàng và số lô hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành; Áp dụng đầy đủ và thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro. Cần ban hành danh mục hàng hóa rủi ro của tất cả các lĩnh vực quản lý chuyên ngành và rà soát những điểm chồng chéo giữa các quy định pháp lý về kiểm tra chuyên ngành…

Đặc biệt, cần giảm nhũng nhiễu và chi phí ngoài quy định. Theo đó, tăng cường giám sát thực hiện kỉ luật, kỉ cương hành chính công vụ và minh bạch việc xử lý cán bộ vi phạm; Cơ chế thực chất cho phép khiếu nại, kiến nghị hoặc tố cáo những hành vi sách nhiễu doanh nghiệp.

Tăng cường triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, áp dụng trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành như: số hóa các quy trình, giấy tờ trong các khâu khai báo, tiếp nhận và giải quyết thủ tục kiểm tra chuyên ngành thông qua cơ chế một cửa quốc gia. Các  bộ, ngành và Tổng cục Hải quan xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin lịch sử kiểm tra thực tế hàng hóa để tránh trùng lặp...

Nguyễn Anh