Đây là một trong những mục tiêu trong dự thảo “Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030” đang được Bộ Tài chính xin ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp nhằm hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

leftcenterrightdel
Thực hiện cải cách thủ tục hành chính đẻ giảm bớt chi phí, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan

Theo đó, xây dựng nền tảng pháp luật về Hải quan hiện đại, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình hải quan thông minh và thực hiện nhiệm vụ đầu mối kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu. Các quy định pháp luật về hải quan và pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có tính gắn kết chặt chẽ, thống nhất. Cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng minh bạch, đơn giản, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới nhằm giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục thông quan, giải phóng hàng.

Tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan; triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh; cải cách mô hình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu. Tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp, ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng…

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới hải quan số và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống.

Hoàn thiện môi trường làm việc điện tử trong ngành Hải quan; hướng tới môi trường phi giấy tờ trong quản lý nhà nước về hải quan thông qua việc đẩy mạnh sử dụng chữ ký số đảm bảo: 90% hồ sơ công việc tại Tổng cục Hải quan được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Ngoài ra, 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, đồng thời được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Cùng với đó, quản lý nợ thuế được thực hiện hoàn toàn theo phương thức điện tử với phương pháp quản lý hiện đại; 100% hồ sơ nghiệp vụ điều tra địa bàn trọng điểm được xác lập và đảm bảo có chất lượng; Hoàn thành nội luật hóa toàn bộ các cam kết quốc tế trong lĩnh vực hải quan.

Thực hiện tỉ lệ tờ khai phải kiểm tra hồ sơ không quá 30%

Cũng theo chiến lược, đến năm 2030, mục tiêu là 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đối với các loại hình cơ bản  được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa.

leftcenterrightdel
Đến năm 2030, 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa. 

Đặc biệt, 100% cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý, hệ thống giám sát camera và các thiết bị hỗ trợ trong công tác kiểm tra, giám sát hải quan. Kết quả, hình ảnh, thông tin được truyền trực tiếp về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan.

100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan…

Và theo Tổng cục Hải quan, đến giai đoạn này sẽ phấn đấu 100% các cửa khẩu đường bộ triển khai hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin khai trước về hàng hóa xuất nhập khẩu trước khi phương tiện vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Bên cạnh đó, thực hiện tỉ lệ tờ khai phải kiểm tra hồ sơ không quá 30%, tỉ lệ tờ khai phải kiểm tra thực tế hàng hóa không quá 4,5%.

Nâng cao hiệu quả quản lý nợ thuế, phấn đấu 100% các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu phát sinh nợ thuế được theo dõi, cập nhật tự động trên hệ thống điện tử của cơ quan Hải quan.

Hoàn thành 100% hồ sơ điều tra nghiên cứu toàn diện tất cả các tuyến (đường bộ, đường biển, đường hàng không); hàng tháng thực hiện đánh giá tổng thể từng tuyến, địa bàn, cập nhật thông tin và theo dõi quản lý để triển khai công tác kiểm soát, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. 

Phấn đấu mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan đạt 95% trở lên đối với các chỉ tiêu chính thuộc các nội dung: Tiếp cận thủ tục hành chính hải quan, thực hiện thủ tục hành chính hải quan, sự phục vụ của công chức hải quan…

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Tổng cục Hải quan đã đưa ra những giải pháp như: Xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan hiện đại, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, hội nhập quốc tế, trọng tâm là xây dựng Luật Hải quan thay thế Luật Hải quan hiện hành, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ.

Cải cách thủ tục hành chính hải quan theo hướng tiếp tục đơn giản, hài hòa hóa thủ tục hải quan, các chế độ quản lý hải quan theo chuẩn mực của Hải quan thế giới, tạo nền tảng để tái thiết kế các quy trình thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình hải quan thông minh.

Ngoài ra, cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, triển khai thành công Đề án kiểm tra kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, hướng tới triển khai mô hình kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu….

Nguyễn Anh