(BVPL) - Dự báo về phát triển điện là quá lớn so với sự phát triển kinh tế của đất nước gây sự lãng phí, nền kinh tế không đáp ứng được. Chính vì thế, Quy hoạch điện VII (PDP7) mới thực hiện được 4 năm nhưng nay phải đưa vào diện phải điều chỉnh.
Quy hoạch điện VII (PDP7) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành tại Quyết định số 1208 ngày 21/7/2011. Sau 4 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế thì quy hoạch này cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi trong triển khai.
Theo Quy hoạch điện VII để thực hiện được quy hoạch này nhu cầu vốn để đầu tư cho giai đoạn 2011-2020 là 48,8 tỷ USD, bình quân 4,88 tỷ USD/năm; giai đoạn 2021-2030 sẽ là 75 tỷ USD, bình quân 7,5 tỷ USD/năm.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng, con số Quy hoạch này đưa ra là quá lớn. Dự báo nhu cầu điện không những quá cao, PDP7 còn chưa đánh giá cũng như quan tâm đầy đủ đến vai trò của tiết kiệm điện, chưa chú ý và quan tâm đầy đủ tới phát triển bền vững, an ninh năng lượng.
Theo Liên hiệp các hội khoa học Việt Nam (VUSTA), một trong những lý do phải điều chỉnh lại là do quy hoạch dự báo nhu cầu điện lớn dẫn tới nhu cầu vốn đầu tư quá nhiều và nền kinh tế không đủ đáp ứng. Ngoài ra, huy động nhà máy nhiệt điện chạy than quá cao dẫn tới nhu cầu than cung cấp cho điện quá lớn cũng không đủ cung cấp kể cả nhập khẩu.
Một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) và Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam chỉ ra, khi tính toán xây dựng, Quy hoạch điện VII đã đặt ra 3 kịch bản phát triển kinh tế, xã hội đòi hỏi quy hoạch điện phải đáp ứng đủ năng lượng điện nhưng do toàn ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng thực tế thấp dẫn đến nhu cầu năng lượng điện thấp hơn so với PDP7, chỉ đạt 89% so với dự báo.
Ông Trần Đình Sinh, Phó Giám đốc GreenID cho biết, Quy hoạch dự báo Tổng GDP của giai đoạn 2010 đến 2020 đạt từ 7,5 đến 8% nhưng tốc độ tăng trưởng thực tế chỉ đạt rất thấp so với con số dự báo. Vì thế, nếu tính tới năm 2013, sau hơn 3 năm thực hiện PDP7 giữa dự báo và thực tế đã có những con số vênh nhau khá xa. Cụ thể, nếu như nhu cầu về năng lượng điện năm 2013 theo PDP7 dự báo là 131 tỷ kWh thì thực tế chỉ có 115 tỷ kWh (chênh 16 tỷ kWWh); Mức công suất đặt quy hoạch dự báo là 23.957 MW thì kết quả thực tế chỉ là 20.010 MW (chênh 3.947 MW); Tốc độ tăng trưởng điện 2011-2013 quy hoạch dự báo là 14,1 % nhưng thực tế chỉ là 9,9% (chênh 4,2%).
“Dự báo nhu cầu điện là khâu quan trọng nhất trong quy hoạch phát triển điện, dự báo chính xác hoặc tương đối chính xác sẽ giúp cho sự phát triển hài hòa của nguồn điện, truyền tải và phân phối điện.”- ông Sinh nhấn mạnh.
Ngoài việc chọn GDP không phù hợp cho quy hoạch, theo nhiều chuyên gia nguyên nhân dự báo thiếu chính xác là quá trình xây dựng quy hoạch phương pháp luận tính toán chưa chuẩn, số liệu còn thiếu và đơn giản hóa.
Theo ông Sinh, do dự báo phụ tải (nhu cầu điện năng) lớn như vậy sẽ dần đến khó khả thi khi thực hiện vì đòi hỏi vốn quá lớn, lãng phí, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, xây dựng. Thậm chí, nếu xây dựng xong sẽ thừa, gây lãng phí nguồn vốn lớn và gây ô nhiễm môi trường nhiều hơn.
Sử dụng phương pháp tính toán theo hướng tiếp cận từ dưới lên và sử dụng dự báo tốc độ tăng trưởng GDP theo Chỉ thị 22 ngày 5/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, một nghiên cứu độc lập của GreenID đưa ra những dự báo khác xa dự báo của Quy hoạch điện VII.
GreenID đề xuất sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần được xem là một biện pháp làm giảm nhu cầu điện năng. Theo nghiên cứu của tổ chức này, tiềm năng tiết kiệm điện của các ngành là khá lớn: tiêu dùng dân cư là 2,4%; ngành công nghiệp 4,9%; ngành dịch vụ thương mại là 2,6% (năm 2020); và lần lượt 5,7% đối với tiêu dùng dân cư, 9,8% với ngành công nghiệp và 15,3% với ngành dịch vụ thương mại (năm 2025).
Đáng chú ý, từ căn cứ tiềm năng tiết kiệm năng lượng của các ngành, nghiên cứu khả năng thay thế năng lượng hóa thạch, cụ thể là nhiệt điện đốt than bằng năng lượng tái tạo, nhu cầu điện năng mà tổ chức nghiên cứu độc lập này tính toán, so với PDP7 cho thấy mức giảm sản lượng từ 151 tỷ kWh đến 208 tỷ kWh tương đương với tổng công suất 35 ngàn MW đến 45 ngàn MW trong đó 5 ngàn MW điện nguyên tử và khoảng 30-40 ngàn MW nhiệt điện than, giảm khoảng 45 tỷ USD đến 50 tỷ USD đầu tư cho xây dựng nhà máy điện mới mà vẫn đáp ứng nhu cầu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu giải trình, tiếp thu ý kiến của các Bộ, tập đoàn, hội đồng thẩm định để hoàn thiện dự thảo Đề án điều chỉnh quy hoạch điện VII.
Anh Khoa