(BVPL) - Năm 2014, chỉ số lạm phát cả năm dưới 3%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây và thấp xa so với mục tiêu lạm phát 5% vừa điều chỉnh của Chính phủ. Năm 2014 cũng chứng kiến xu hướng giảm bất thường của chỉ số giá tiêu dùng CPI. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội nhưng cũng ẩn chứa nhiều thách thức trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Năm 2015, áp lực kìm chỉ số lạm phát

Theo công bố từ Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 của cả nước tiếp tục giảm 0.24% so với tháng trước. Trong tháng 12/2014, chỉ có hai nhóm hàng giảm so với tháng trước. Cụ thể, do tác động từ giảm giá xăng nên lĩnh vực giao thông có mức giảm mạnh nhất với 3.09% so với tháng 11/2014, giảm 5.57% so với cuối năm 2013. Kế đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0.99% so với tháng 10/2014 và giảm 1.95% so với cuối năm 2013.

Ngược lại, nhóm bưu chính viễn thông tăng mạnh nhất với 0.80% so với tháng 11/2014, kế đến là hàng hóa, dịch vụ khác và thiết bị đồ dùng gia đình tăng lần lượt 0.34% và 0.18%. Nhóm thiết yếu là hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng nhẹ 0.08% so với tháng trước và tăng 2.61% so với cuối năm 2013. Chỉ số vàng trong năm 2014 giảm 11.49%, trong khi đó chỉ số giá USD tăng nhẹ 0.56%.

Với kết quả này, cơ quan thống kê tính toán mặt bằng giá của năm 2014 đã cao hơn so với 2013 khoảng 4,09%. Mức lạm phát này thấp hơn nhiều so với mục tiêu 7% mà Quốc hội giao.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh, CPI tháng 12 giảm bắt nguồn từ việc giảm giá xăng, dầu trong nước. Theo đó, chỉ số giá nhóm giao thông giảm 3,09% đóng góp 0,27% vào mức giảm chung của CPI. Ngoài ra, giá gas thế giới giảm mạnh đã điều chỉnh giá gas trong nước giảm 13.000 đồng/bình) càng góp phần cho CPI tháng 12 giảm hơn so với tháng trước.

Năm 2014, CPI tăng ở mức thấp là tiền đề cho những chính sách đã tích cực và nó cũng thể hiện chính sách điều hành giá rất hiệu quả. Vấn đề tăng, giảm giá có lộ trình, có mức độ, có thời gian và không dồn dập vào những tháng cao điểm như thế nên cũng tác động đến CPI chung.

 

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2014 của cả nước tiếp tục giảm 0.24% so với tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12/2014 của cả nước tiếp tục giảm 0.24% so với tháng trước.


Theo đánh giá, với mức lạm phát thấp trong năm 2014 sẽ có một số áp lực cho việc kìm chỉ số lạm phát năm 2015 ví dụ như lượng cung tiền cho cuối năm vừa rồi sẽ có độ trễ và sang năm 2015, giá cả một số mặt hàng sẽ được điều chỉnh, nguy cơ giá xăng dầu tăng trở lại sẽ gây áp lực làm tăng CPI và sẽ làm tăng lạm phát của năm 2015. Tuy vậy, Chính phủ sẽ có những chính sách điều hành khi giá cả có những diễn biến tăng đột biến, đặc biệt đặt ra mục tiêu kìm giữ lạm phát ở mức 5%.

Lạm phát thấp cơ hội và thách thức

Lạm phát được kéo xuống thấp được nhiều chuyên gia nhìn nhận là thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô, là mức CPI mà các quốc gia đang phấn đấu. Ông Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế: CPI thấp là điều đáng mừng đặc biệt là với người thu nhập thấp, thêm nữa, mục tiêu kiềm chế lạm phát có thể thực hiện được từ đó có nhiều dư địa để thực hiện các chính sách khác.

Lạm phát giảm là cơ hội để giảm lãi suất, dẫn đến dịch chuyển đầu tư. Số người gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng giảm đi và chuyển sang kinh doanh sản xuất, thị trường bất động sản…Tuy nhiên, một số ý kiến lại lo ngại trước việc lạm phát thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Thông thường cứ vào những tháng cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lại tăng. Tuy nhiên, ngay cả những tháng cuối năm 2014 chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng rất thấp. Điều này phần nào thể hiện tổng cầu xã hội còn yếu.

Đối với khu vực doanh nghiệp, mức tiêu thụ giảm, tỷ lệ tồn kho lớn, giá cả hàng hóa thấp làm giảm doanh thu và tăng gánh nặng nợ thực. Doanh nghiệp khó khăn tìm nguồn thu để trả nợ nên sẽ hạn chế đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Những yếu tố này cũng gây cản trở tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, thì dù CPI tăng hay giảm, dù GDP có là bao nhiêu thì chúng ta cần phải kiểm điểm qua những biến động như vậy người dân được hưởng cái gì. CPI giảm mà đời sống người dân không tăng thì những con số này cũng trở nên vô nghĩa.

Trong năm 2015, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, mức lạm phát được đẩy lên 5% trong tầm kiểm soát để tạo thuận lợi cho nền kinh tế phát triển.Theo các chuyên gia kinh tế, để đạt mục tiêu này, trước hết cần thúc đẩy tổng cầu trong xã hội, mà muốn vậy phải tạo được công ăn việc làm, tăng năng suất lao động để có thêm thu nhập cho người lao động.
 

Lộc Anh

.