(BVPL) - Hoạt động thu mua nông sản của các thương nhân nước ngoài tại Việt Nam đã góp phần tiêu thụ, giải quyết đầu ra đối với một số hàng hoá là sản phẩm nông nghiệp…, song đi kèm theo đó là rất nhiều những tác động tiêu cực như: dìm giá gây thiệt hại cho người nông dân, gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng đến quy hoạch vùng nguyên liệu và công nghiệp chế biến,… Dù đã có nhiều cảnh báo từ báo chí hay các chuyên gia nhưng tình trạng này vẫn tái diễn bởi vẫn thiếu những chế tài thực sự hữu hiệu.

 


Theo thông tin từ Bộ Công thương, trong năm 2013 có diễn ra một số hiện tượng thu mua thủy sản bất thường của thương nhân nước ngoài tại một số địa phương như tôm sú, tôm chân trắng tại các tỉnh, thành phố như: Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang... hay tình trạng thu mua cây huyết đằng ở Kon Tum, mua lá khoai lang ở Vĩnh Long để xuất khẩu sang Trung Quốc. Điều này đã làm ảnh hưởng tới sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước, không những vậy về lâu dài gây thiệt hại cho người sản xuất, hộ nuôi trồng trong nước, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, từ sau khi Bộ Công thương phối hợp công tác kiểm tra, kiểm soát giữa các lực lượng chức năng, tổ chức tuyên truyền pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài thì tình hình đã có dấu hiệu đi vào nề nếp, hạn chế các vụ lừa đảo, giật nợ, góp phần tiêu thụ thủy sản cho các hộ nuôi trồng. Điển hình, đối với mặt hàng lá khoai lang, ông Phạm Tứ Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi Cục trưởng, Chi Cục quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Long cho hay: Hiện nay, trên địa bàn có thương lái người Trung Quốc đứng ra thu mua lá khoai lang với số lượng không giới hạn, song chính quyền địa phương đã phối hợp với các ban, ngành tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa của thương nhân nước ngoài, những tác hại của việc bán lá khoai lang non, nên các hộ nông dân không còn tổ chức mua bán với thương lái người Trung Quốc. Hay như hiện tượng thương lái thu mua cây culi (cây lông khỉ) tại Nghệ An, ông Trần Đăng Ninh, Chi Cục trưởng Chi Cục quản lý thị trường tỉnh Nghệ An cho hay, đến nay không có thương nhân (cá nhân) người Trung Quốc thu mua trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, mà hiện tượng nêu trên đã diễn ra từ năm 2013.

Cũng theo Bộ Công thương, tại tỉnh Hà Giang không có tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua mầm quả như một số tờ báo phản ánh.

Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng thương lái nước ngoài lợi dụng mở cửa, con đường du lịch, thâm nhập vào Việt Nam lén lút hoạt động thu mua. Để ngăn chặn tình trạng này, ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2007/NĐ-CP quy định về quyền xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên từ lúc ra đời Nghị định, hầu như thương nhân nước ngoài không có nhu cầu đăng ký thực hiện.

Về phía Bộ Công thương, ngày 12 tháng 3 năm 2014, Bộ đã ban hành Công văn số 1910/BCT-TTTN về việc tuyên truyền, phổ biến, giám sát, kiểm tra hoạt động thu mua hàng hóa của người nước ngoài tại Việt Nam gửi Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để kịp thời ngăn chặn các hình thức thu mua nông, lâm, thủy hải sản của các tổ chức, cá nhân là người nước ngoài (trong đó có người Trung Quốc) trái phép trên lãnh thổ Việt Nam.

Cùng với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, nhiều ý kiến cho rằng, cần có những quy định để kiểm soát hoạt động của cả thương nhân Việt Nam khi tham gia hợp tác với thương nhân nước ngoài để họ không “tiếp tay” làm thiệt hại tới nông dân và ảnh hưởng tới doanh nghiệp làm ăn chân chính, bởi thực tế rất nhiều trường hợp, thương lái nước ngoài không trực tiếp thu mua mà thông qua thương nhân trong nước nên về quy định, họ không vi phạm và rất khó xử lý.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền đến người nông dân không nên chỉ thấy lợi ích trước mắt, phải giải thích để họ thấy được mặt trái của việc thu gom trái phép này. Đồng thời, khuyến cáo người nông dân khi mua bán cần ký kết hợp đồng rõ ràng, nếu không được thanh toán đầy đủ thì phải tạm dừng...

Về phía cơ quan chức năng, để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm nông-thủy sản cho nông dân, tới đây Bộ Công thương sẽ xây dựng chương trình xúc tiến thương mại phù hợp, tăng cường tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định; đẩy mạnh xây dựng, tổ chức hệ thống phân phối từ vùng sản xuất đến các khu vực cửa khẩu và xuất khẩu. Xây dựng cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để làm cơ sở cho lực lượng chức năng thực hiện công tác quản lý, hậu kiểm sau cấp phép. Ngoài ra, tăng cường công tác nắm tình hình hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản qua cửa khẩu, biên giới... để có cơ chế điều hành, quản lý nhằm kiểm soát hiệu quả hơn hoạt động xuất nhập khẩu.
 

Thanh Dịu

.