Lấy xe nguyên chiếc ra được khỏi kho khá dễ dàng nên nhiều ông chủ mua xe thanh lý mang về bán thu lợi, bất chấp pháp luật, hệ lụy xã hội.
 
 
Ngoài cửa hàng bán xe của ông L., ông Kh., còn một số cửa hàng trên địa bàn TP.HCM cũng mua bán xe thanh lý. Giữa tháng 5.2014, trong vai một người đi mua xe máy không giấy tờ về đi “bão”, chúng tôi đến cửa hàng bán xe nằm trên đường Mã Lò (Q.Bình Tân). Tại đây, hàng trăm chiếc xe máy với đủ các nhãn hiệu Trung Quốc, Nhật, Hàn được sắp xếp ngay ngắn từ cổng đến tận phía sau. Thấy chúng tôi, một nhân viên nhanh nhảu hỏi: “Anh mua loại xe gì? Loại có giấy tờ hay không giấy?”. Nghe chúng tôi nói “không giấy tờ”, người này chỉ tay về phía dãy xe nằm ở cuối kho: “Không giấy tờ thì chỉ còn một chiếc Citi, giá 2 triệu và một chiếc Angel giá 1,6 triệu”.  Cũng theo người này, toàn bộ xe trong bãi là mua lại nguyên chiếc từ cơ quan của nhà nước. Mỗi lần “nhập” về kho từ 4 đến 5 xe tải. “Ở đây loại xe không có giấy tờ thường bán chạy lắm vì giá rẻ, đi đường mà bị công an bắt thì vứt luôn; mua xe có giấy tờ giá cao mà bị bắt thì khó xin xỏ lắm”, một nhân viên động viên.
 
Ngày 25.5, chúng tôi quay lại địa điểm này hỏi mua một chiếc xe Max với 1,5 triệu đồng. Nhân viên đã dùng một biên nhận in ấn sẵn ghi nội dung nhận tiền đặt cọc 200.000 đồng và quả quyết: “Tôi sẽ viết giấy tay chứng minh không phải xe ăn cắp ăn trộm. Nếu ai kêu là xe ăn cắp thì anh cứ đem tới đây. Xe không giấy ở đây là của công an thanh lý, chứ xe ăn cắp sao dám bán. Nếu có xảy ra tranh chấp thì anh cứ mang tờ giấy này đến chúng tôi sẽ giải quyết”.
 
Theo một người có nhiều năm tham gia đấu giá xe gắn máy thanh lý ở TP.HCM, mỗi năm trung bình có hàng ngàn xe gắn máy thanh lý bán phế liệu, tận thu phụ tùng. Trong số này, có bao nhiêu xe được tuồn nguyên chiếc ra ngoài tham gia giao thông? Nếu bọn tội phạm sử dụng các xe này tổ chức đua xe, gây án thì cơ quan công an sẽ gặp không ít khó khăn trong công tác điều tra.
 
Theo TNO