Mặc dù thực phẩm trong nước thừa khả năng cung cấp cho thị trường, nhưng thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc vẫn ùn ùn đổ về Hà Nội. Những vụ bắt giữ, phát hiện vi phạm dường như mới giải quyết “ngọn”, làm thế nào để kiểm soát tận gốc tình trạng này?
 


Tràn lan cá trắm thối, mực tẩy hóa chất công nghiệp

Liên tiếp trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng trên địa bàn TP Hà Nội phát hiện, bắt giữ những lô hàng thực phẩm “bẩn” không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATTP đang được đưa đi tiêu thụ. Đáng nói, thời điểm hiện tại, thực phẩm trong nước dư thừa cung cấp cho thị trường, nhưng thực phẩm “bẩn” vẫn có đất sống, len lỏi khắp nơi.

Trưa 17-4, tổ công tác Đội CSGT số 4 làm nhiệm vụ trên đường Nguyễn Khoái phát hiện xe ô tô tải BKS 14M-4547 vi phạm luật giao thông đã ra hiệu lệnh dừng xe. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng CSGT phát hiện xe này chở nhiều thùng xốp đựng cá trắm. Tại hiện trường, cá trắm đã bốc mùi, một số đang trong quá trình phân hủy. Đội CSGT số 4 đã thông báo cho Đội QLTT quận Hai Bà Trưng phối hợp kiểm tra, xác định số lượng và nguồn gốc xuất số cá trắm trên.

Bước đầu khai nhận, lái xe Nguyễn Văn Tuyên (SN 1988, ở Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh) cho biết, những thùng hàng trên là cá trắm được chủ hàng thuê chở từ Quảng Ninh về Hà Nội, Tuyên chỉ là người chở thuê.

Trước đó, sáng sớm 15-4, Đội Cảnh sát môi trường, Công an quận Ba Đình đã bất ngờ kiểm tra khu vực buôn bán thủy sản tại chợ Long Biên, phường Phúc Xá, Ba Đình. Tại kho G2, cơ quan chức năng bắt quả tang Vũ Mạnh Cầm (22 tuổi, trú tại Ân Thi, Hưng Yên) đang đổ hàng chục kilôgam mực ôi, bốc mùi vào các thùng phuy cỡ lớn có chứa hóa chất công nghiệp. Tiến hành kiểm tra kho, lực lượng chức năng phát hiện có 750kg mực ống đã bốc mùi, trong đó 150kg đang ngâm tẩm hóa chất.

Lời khai ban đầu, Vũ Mạnh Cầm cho hay, hiện đang làm thuê cho bà Ngô Thị Nụ (46 tuổi, ở phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng). Cầm cho biết, để phù phép mực hỏng thành mực tươi, hòa ôxy già loại dùng trong công nghiệp vào thùng phuy nước rồi đổ mực vào ngâm khoảng 30 phút rồi dùng gậy sắt đảo đều cho tới khi mực trắng, hết mùi thối thì đem ra chợ Long Biên bán.

Tường trình với lực lượng chức năng, bà Nụ thừa nhận, lén lút tẩy trắng mực kém chất lượng bằng hóa chất công nghiệp khoảng nửa tháng nay. Để không bị phát hiện, chủ ki ốt chỉ đạo nhân viên hạ cửa cuốn nhà kho khi thực hiện công đoạn ngâm, tẩy mực.

Theo cơ quan chức năng, mực ống đông lạnh thường được nhập khẩu theo đường biển Hải Phòng hoặc Quảng Ninh về nước tiêu thụ. Mực khi đã rã đông để lâu sẽ bị nhũn, nhớt, bốc mùi thối…, nhưng sau khi bị “phù phép” sẽ giòn, trắng và khá sạch mùi”.

Khó kiểm soát thủy hải sản bẩn

Ông Hoàng Tiến Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cho hay, trung bình mỗi ngày, thị trường Hà Nội tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thủy hải sản, khoảng 40% thủy sản được nuôi trên địa bàn, còn lại được đưa từ các tỉnh lân cận về. Trong đó, 100% lượng hải sản phải nhập từ các tỉnh.

Về kiểm soát nguồn gốc cũng như chất lượng 600 tấn thủy, hải sản đưa vào thị trường Hà Nội mỗi ngày, ông Hoàng Tiến Minh nhìn nhận, lực lượng chức năng mới kiểm soát được lượng thủy, hải sản đưa vào chợ đầu mối Yên Sở, còn lại lượng hàng đưa thẳng về các chợ dân sinh thì chưa kiểm soát được vì lực lượng mỏng, không có chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô. Cũng theo đại diện Chi cục Thủy sản Hà Nội, do việc thông thương nên không thể “cấm nhập nông sản dù trong nước có thể đáp ứng đủ. “Song, nếu chúng ta kiểm soát chặt chẽ từ biên giới, bến cảng thì những lô thực phẩm bẩn như mực ôi thối phát hiện tại chợ Long Biên vừa qua không thể lọt lưới về nước”, ông Hoàng Tiến Minh bày tỏ.

Theo TS Nguyễn Văn Quang (Viện Hóa công nghiệp) cho rằng, việc sử dụng hóa chất để biến thực phẩm ôi thối thành tươi ngon không khó nhờ hóa chất có tính khử, tẩy, tạo sự đàn hồi cho thực phẩm kể cả đang trong quá trình phân hủy. Ví dụ như có thể sử dụng oxy già, thậm chí là các loại phân bón hóa học, thuốc tẩy để làm phụ gia tẩy trắng, kéo dài thời gian phân hủy của thực phẩm.

Lãnh đạo Cục VSATTP, Bộ Y tế cũng đã cho rằng, các đoàn thanh tra chỉ hạn chế phần nào thực phẩm “bẩn” trên thị trường còn để nó biến mất hoàn toàn là một bài toán nan giải. Việc xử lý triệt để các mặt hàng này không thể trong một sớm một chiều.
 

Theo ANTĐ