Ngày 8/12, tại TP Hồ Chí Minh, Tạp chí Hải quan (Tổng cục Hải quan) đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề: “Chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp”.

Tham dự Tọa đàm còn có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng, như: Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan); lãnh đạo Hải quan các địa phương TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Ninh; các hiệp hội doanh nghiệp…

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự Toạ đàm.

Bà Vũ Thị Ánh Hồng, Tổng Biên tập Tạp chí Hải quan, Trưởng Ban tổ chức Tọa đàm, cho biết: Thời gian qua, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường, nhất là đối với hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm; hàng hóa khan hiếm trên thị trường như khoáng sản, xăng dầu; hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như, đường cát, lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm, điện tử, hàng tiêu dùng, hàng lậu, phụ tùng xe đạp, xe máy…có chiều hướng gia tăng phức tạp trên các tuyến đường bộ, đường biển, đường hàng không, địa bàn trong cả nước.

Tại các cửa khẩu, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục tiềm ẩn, diễn biến phức tạp. Trong 10 tháng năm 2023, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 14.141 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 5.692 tỉ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 35 vụ và chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 97 vụ. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 430 tỉ đồng. Riêng về hàng vi phạm SHTT, từ năm 2022 đến nay, Hải quan đã phát hiện, xử lý gần 100 vụ việc với tổng trị giá hàng hóa trên 18 tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Doanh nghiệp và cán bộ Hải quan đang giới thiệu đại biểu, khách tham quan phân biệt hàng giả, hàng thật.

Ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia), cho biết thêm: Số vụ vi phạm về hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ lên tới trên 4.000 vụ, tăng trên 126%, so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có nhiều vụ việc đã được chuyển cho cơ quan Công an khởi tố với tội danh liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các lô hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được cơ quan Hải quan phát hiện trong thời gian qua chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Trong đó, có những vụ nhập khẩu hàng với số lượng lớn. Điển hình, lô hàng gần 40 container dây cáp điện có dấu hiệu giả mạo xuất xứ do một doanh nghiệp nhập khẩu qua cảng Cát Lái đã bị Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh phát hiện, khởi tố hình sự vào cuối tháng 2/2023 và đang được TP Hồ Chí Minh điều tra, làm rõ.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính đã ban hành nhiều kế hoạch dài hạn và văn bản chỉ đạo Tổng cục Hải quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hải quan và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng gian, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng qua biên giới. Tại thị trường nội địa, các lực lượng Công an, Quản lý thị trường cũng liên tục tăng cường, đổi mới biện pháp nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả kiểm soát thị trường, đẩy lùi hàng giả, hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Các kết quả bắt giữ như số liệu ở trên đã cho thấy sự quyết liệt của các lực lượng trong cuộc chiến chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn đang gia tăng phức tạp và tinh vi.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đã đưa ra những giải pháp hữu hiệu giúp phòng ngừa, nâng cao năng lực trong “cuộc chiến” chống hàng lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ...

Thiên Bình