(BVPL) - Thanh tra Bộ Y tế cho biết, ngoài các nhà máy Cty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam (Pepsico Việt Nam) còn liên kết với các đơn vị khác gia công sản phẩm. Đơn vị gia công sản phẩm cho Pepsico Việt Nam còn được cấp Giấy chứng nhận ATTP trong quá trình thanh tra, nguồn gốc nguyên liệu đầu vào nhập từ quốc gia nào không được chỉ rõ.
Vấn đề ở đây là cơ quan hữu trách đã không chỉ rõ việc các nguyên liệu này Pepsico Việt Nam nhập khẩu từ các quốc gia khác nhau, đó là những quốc gia hay vùng lãnh thổ nào thì lại không được làm rõ. Thông tin không được công khai, minh bạch. Dư luận không hiểu vì sao kết luận thanh tra của Bộ Y tế không nói rõ nguyên liệu đầu vào của Pepsico Việt Nam được nhập từ những quốc gia hay vùng lãnh thổ cụ thể nào mà chỉ nói chung chung là nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này đã khiến dư luận băn khoăn, nghi ngại.
Sau thời gian thanh tra, ngày 16/11/2016 Thanh tra Bộ Y tế có kết luận thanh tra số 194/KL-TTrB về việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của Cty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam (Pepsico Việt Nam) và chỉ chỉ ra được lỗi nhỏ của Pepsico Việt Nam. Cty này chỉ phải chịu phạt 25 triệu đồng cho hành vi vi phạm.
Gia công và việc cấp chứng nhận ATTP “kịp thời”
Pepsico Việt Nam có 5 nhà máy trực thuộc công ty là: Nhà máy sản xuất nước giải khát đặt tại phường Thới An, Quận 12, TP. HCM; Chi nhánh Cty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam tại Đồng Nai, khu công nghiệp Amata, TP. Biên Hòa, Đồng Nai; Chi nhánh Pepsico Việt Nam tại khu công nghiệp Trà Nóc, TP. Cần Thơ; Chi nhánh Pepsico Việt Nam tại huyện Điện Bàn, Quảng Nam; Chi nhánh Pepsico Việt Nam tại khu công nghiệp VSIP, Bắc Ninh. Từ năm 2015 đến nay Pepsico Việt Nam sản xuất kinh doanh 51 sản phẩm thực phẩm. Trong đó có 33 sản phẩm thuộc nhóm nước giải khát, 17 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm bổ sung và 01 sản phẩm nước uống đóng chai.
Kết luận thanh tra của Bộ Y tế cũng cho thấy điều kiện đảm bảo ATTP đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm của Pepsico Việt Nam tại các nhà máy là đạt chuẩn từ khu vực sản xuất đến công đoạn thổi chai và đóng gói sản phẩm. “Phôi chai được cấp vào máy thổi tạo thành chai có hình dáng và thể tích xác định. Sau đó được băng tải dẫn đến máy tráng rửa vỏ chai rồi sang máy chiết để rót thành phẩm, đi qua máy đóng nắp, máy làm ấm chai. Các công đoạn tiếp theo sau khi sản phẩm ra khỏi máy làm mát, làm ấm chai gồm: máy in phun NSX- HSD, dán nhãn, đóng thùng (hoặc bao phim) và chất xếp lên pallet đưa vào kho thành phẩm”- Thanh tra Bộ Y tế nêu. Như vậy có thể nói quy trình sản xuất sản phẩm của Pepsico Việt Nam là khép kín từ khâu nguyên liệu đầu vào đến ra sản phẩm.
Nhưng điều bất ngờ là ngoài các nhà máy như trên của Pepsico Việt Nam, Thanh tra Bộ Y tế cho biết là Pepsico Việt Nam còn hợp tác với các đơn vị khác gia công sản phẩm cho Pepsico Việt Nam. Đó là Nhà máy Tribeco (Khu công nghiệp VISIP, Bình Dương); Nhà máy Bia Sài Gòn miền Trung (Khu công nghiệp Phú Tài, tỉnh Bình Định); Nhà máy Nihon; Nhà máy Kirin Việt Nam Việt Nam ( đều ở Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, Bình Dương). Pepsico Việt Nam và các đơn vị gia công trên có hợp đồng trách nhiệm với nhau. Pepsico Việt Nam chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng sản phẩm.
Nghi vấn gia công là gia công toàn bộ sản phẩm hay một công đoạn nào đó của sản phẩm trong khi Pepsico Việt Nam có các nhà máy được cho là có các dây chuyền khép kín. Vấn đề này đã không được Thanh tra Bộ Y tế nêu rõ trong kết luận thanh tra.
Ngoài ra, đơn vị Gia công cho Pepsico Việt Nam là Nhà máy Kirin Việt Nam (Khu công nghiệp Mỹ Phước 2, Bình Dương, gia công sản phẩm cho Pepsico Việt Nam) mới chỉ được Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP để sản xuất, kinh doanh thực phẩm vào ngày 3/10/2016 (khi mà việc thanh tra Pepsico Việt Nam chưa có kết luận).
Bộ Y tế có quy định rõ về việc cấp Giấy chứng nhận này tại Thông tư số 26/2012/TT-BYT ngày 30/11/2012 Quy định cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước khoáng thiên nhiên, nước uống đóng chai, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế quy định rất chặt chẽ về thẩm quyền, quy trình cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Thẩm quyền cấp cho Kirin Việt Nam là của Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế. Như vậy trước đó nhà máy của Kirin Việt Nam hoạt động trên cơ sở Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP để sản xuất, kinh doanh thực phẩm do Chi cục ATVSTP Bình Dương cấp. Vậy không hiểu Giấy chứng nhận trước đó của Chi cục ATVSTP Bình Dương cấp cho Nhà máy Kirin Việt Nam có đủ điều kiện để đơn vị này gia công sản phẩm cho Pepsico Việt Nam, gia công cái gì, bao bì nhãn mác sản phẩm hay lõi sản phẩm?
PV