Kinh doanh ô tô nhỏ, dung tích xilanh dưới 2.0L đang trở thành mốt của dân buôn xe tại Hà Nội trong thời gian 1 năm trở lại đây. Nguyên nhân là mức thuế dòng xe này ồ ạt giảm, thị trường ngày càng đa dạng và số lượng xe nhỏ nhập về Việt Nam đang lớn chưa từng thấy.
 


Theo anh Tuấn, một tháng, trung bình cửa hàng của anh bán được khoảng 13 chiếc, 3 tháng trước tết Đinh Dậu 2017, đơn hàng bán được trung bình 22 chiếc/tháng. Đây là con số mà trước đây khi anh Tuấn kinh doanh các dòng xe sang có mơ cũng không có được.

Cũng chấp nhận từ bỏ kinh doanh xe sang cũ nhập khẩu để sang kinh doanh xe bình dân theo thời thế, anh Nguyễn Công Hữu (chủ một showroom ô tô tại đường Lê Văn Lương kéo dài - nay là đường Tố Hữu) cho hay: "Phải bỏ kinh doanh xe sang cũ nhập khẩu, đối với tôi là điều vô cùng đáng tiếc, bởi để có được mối nhập xe cũ (thực tế xe chỉ đi tại nước ngoài mấy tháng) nhập về bán như xe mới phải mất nhiều năm. Thế nhưng, hai năm nay, bán xe loại này bị "soi" rất mạnh, bán một tháng mới được 1 - 2 chiếc, chi phí mặt bằng, nhân công cũng không đủ để kéo dài thêm thời gian kinh doanh".

Do đó, vào tháng 8 năm ngoái, anh Hữu quyết định đăng ký kinh doanh lại và đầu tháng 1 vừa rồi nhận được 1 số đơn hàng xe nhỏ từ đối tác nhập khẩu và nhà phân phối trong nước. Nói chung, công ty khởi đầu khá suôn sẻ, doanh số tăng và vốn tồn trong xe không quá lớn, nếu khó bán cũng chỉ chịu giam trong xe thời gian ngắn.

Theo tiết lộ của một số chủ cơ sở kinh doanh xe nhỏ, ngoài các kênh phân phối của các hãng xe trong nước. Chính sách trợ giúp các nhà phân phối tư nhân của các hãng nhập khẩu xe hiện rất tốt, cạnh tranh trực tiếp với hệ thống phân phối xe lắp ráp trong nước. Nhiều cửa hàng, showroom được các nhà nhập khẩu xe, đại lý hỗ trợ giá, chiết khấu sâu giá bán trong thời gian đầu. Các phí quảng cáo hỗ trợ rất tốt, trong đó có cả chính sách bán hàng trả chậm cũng được hỗ trợ tối đa.

Hiện các dòng xe nhỏ, giá rẻ được nhập khẩu nhiều, những xe mới năm 2017, 2016 chỉ có mức giá 380 triệu đến hơn 450 triệu đồng/chiếc, (tuỳ theo phiên bản, đã bao gồm thuế) có doanh số bán cao nhất tại nhiều cửa hàng. Mức giá này phù hợp với nhiều đối tượng cần mua xe hiện nay như phụ nữ, gia đình trẻ và mua xe với tiêu chí tiết kiệm nhiên liệu. Bên cạnh đó, dù giá rẻ nhưng nhiều xe cũng trang bị đủ các lựa chọn như nội thất, tiện nghi cơ bản cho người lái như: số tự động, gương chỉnh điện, vô lăng tích hợp, có 4 - 7 loa lại thêm dịch vụ trả góp được vay tối đa 70% trong vòng 10 năm, lãi suất thấp.

Ô tô Ấn Độ về Việt Nam, giá 84 triệu/chiếc

Trên thực tế, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, hết tháng 1/2017 cả nước nhập hơn 7.300 xe ô tô, tăng hơn 1.500 chiếc so với cùng kỳ năm 2016 (5.800 chiếc). Đáng nói, dù tăng cao về lượng nhập, nhưng giá nhập xe về Việt Nam chỉ tăng rất ít, khoảng 5 triệu USD so với cùng kỳ năm trước, trong đó tháng 1/2017 kim ngạch đạt 152 triệu USD, tháng 1/2016 đạt 147 triệu USD).

Mỗi xe nhập về Việt Nam tháng 1/2017 có mức giá khoảng 20.800 USD/chiếc (chưa gồm thuế), trong khi đó, xe nhập tháng 1/2016 là 25.300 USD/chiếc. Như vậy, giá xe nhập trong tháng 1/2017 đã giảm bình quân hơn 4.500 USD/xe so với một năm trước.

Về lượng xe nhập khẩu, theo số liệu của Hải quan, tháng đầu năm 2017 tiếp tục là sân chơi của xe giá rẻ của các thị trường ASEAN và Ấn Độ bởi lượng xe các nước này đã chiếm hơn 70% tổng lượng xe nhập (trên 5.400 xe) tại Việt Nam, còn lại chia đều cho các thị trường xe khác như: Hàn, Nhật Bản, Đức, Mỹ và Nga...

Đáng nói, về giá xe nhập, hiện xe Ấn Độ vào Việt Nam vẫn rẻ "không đối thủ". Trong 1.000 xe Ấn Độ nhập về tháng 1/2017, giá trị nhập chỉ là 3,7 triệu USD (chỉ khoảng 84 triệu đồng/xe, chưa bao gồm thuế). Còn xe nhập từ Indonesia có 1.800 chiếc, giá trị nhập 35 triệu USD, giá xe trung bình khoảng 440 triệu đồng/chiếc (chưa bao gồm thuế).

Như vậy, xe Ấn Độ tiếp tục là dòng xe rẻ nhất khi nhập về Việt Nam, rẻ hơn 5 lần so với giá xe trung bình của Indonesia - nước có xe nhập vào Việt Nam thuộc hàng rẻ nhất trong các nước ASEAN.
 

Theo Nguyễn Tuyền/Dân trí

.