(BVPL) - Cách đây 7 năm, khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO), nhiều người lo lắng nông nghiệp sẽ là ngành dễ bị ảnh hưởng nhất do chúng ta không có nhiều mức độ bảo vệ hay trợ cấp cho ngành nông nghiệp. Nhưng thực tế, sau 7 năm gia nhập WTO, xuất khẩu nông sản năm 2013 vừa qua của Việt Nam đã đạt trên 27 tỷ USD, gấp đôi so với năm 2007.

 


Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào Nhật đạt 1,15 tỷ USD chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Nhật Bản là quốc gia nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam. Nhiều DN đã nhận thấy thị trường này sẽ còn lớn hơn nữa khi thuế nhập khẩu của Nhật sẽ về 0% khi TPP được ký  kết.

Với 1.800 tàu câu cá ngừ đại dương, sản lượng trên dưới 15 ngàn tấn mỗi năm, 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa là nơi cung cấp mặt hàng cá ngừ đại dương xuất khẩu chủ lực của cả nước. Nhật Bản là thị trường chính của các nhà xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Thế nhưng, hiện nay, khi thực hiện FTA nhưng thuế nhập khẩu đối với cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản khoảng từ 6,4 - 7,2%, trong khi đó Thái Lan và Philippines có mức thuế 0%. Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho rằng: TPP không chỉ mang lại sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản khi thuế suất giảm bằng 0%  mà quan trọng hơn sẽ tác động đến thu nhập của ngư dân khai thác cá ngừ. Thuế suất giảm xuống, nhà chế biến, xuất khẩu không phải chịu thuế vào trong giá thành sản phẩm nên giá mua nguyên liệu đầu vào của ngư dân, sẽ cao hơn.

Ông Vương Vĩnh Hiệp, Công ty TNHH Long Sinh cho rằng: Thị trường TPP rất sòng phẳng, ai có hàng hóa chất lượng tốt thì được chào đón. Công ty chúng tôi đang dành thời gian, nhân lực và khoản chi phí thích đáng để đầu tư xây dựng quy trình kiểm soát chất lượng. Những tiêu chuẩn khắt khe từ phía các đối tác như Nhật Bản được doanh nghiệp thực hiện. Đây như là sự chuẩn bị đón đầu những cơ hội từ TPP.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, năm 2013, 40% thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang các nước trong khối TPP: Hoa Kỳ chiếm hơn 22%, Nhật Bản hơn 17% nhưng giá trị thủy sản của Việt Nam lại thấp do chủ yếu xuất phát từ quy mô nhỏ và thường bị thị trường quốc tế ép giá. Do đó, khi gia nhập TPP, thủy sản VN sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác với nước ngoài để nâng cao giá trị sản phẩm.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: Những doanh nghiệp có thể tìm thấy ở Việt Nam lợi nhuận trong việc nâng cấp năng lực chế biến sẵn có bằng cách đầu tư vào công nghệ chế biến sâu và tận dụng nguồn nhân lực rẻ, lành nghề của Việt Nam. Đó là cơ hội rất lớn cho họ và cho cả Việt Nam.
 

Trần Mai

.