Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xuất hiện tin đồn nhà vườn trồng xoài sử dụng túi bao trái (TBT) nhiễm hóa chất độc hại gây hoang mang cho người tiêu dùng và nhà sản xuất. Ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp khẳng định, đây là tin đồn thất thiệt, không có căn cứ và hoàn toàn sai sự thật.
Sử dụng TBT trong sản xuất nông nghiệp là một kỹ thuật được nhiều nước tiên tiến trên thế giới áp dụng cách đây vài chục năm. Riêng ở Đồng Tháp, kỹ thuật sử dụng TBT được đưa vào thực tiễn sản xuất xoài từ năm 1995. Sau hơn 20 năm ứng dụng, kỹ thuật sản xuất độc đáo này giúp cho sản phẩm xoài của tỉnh Đồng Tháp chinh phục được nhiều nhà nhập khẩu khó tính trên thế giới, đưa trái xoài trở thành một trong những ngành hàng chủ lực và là thế mạnh riêng của ngành nông nghiệp Đồng Tháp.
Hiện tại ở Đồng Tháp, có 2 loại TBT được nhà vườn sử dụng phổ biến là túi màu trắng và túi màu vàng. Cả 2 loại TBT đều có ưu điểm giúp nhà vườn hạn chế được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giúp nông sản đảm bảo được quy trình cách ly, đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Riêng TBT màu vàng được nông dân áp dụng bao trái trong mùa nghịch và dịp Tết Nguyên đán, TBT màu vàng giúp tạo cho vỏ trái xoài có màu vàng sáng, đẹp và bắt mắt.
Nói về những lợi ích mà TBT mang lại, nhiều nhà vườn cho rằng, đây thật sự là “cuộc cách mạng lớn” trong sản xuất nông nghiệp, giúp nông sản của Đồng Tháp hội nhập sâu hơn với thị trường quốc tế. Tuy nhiên, những ngày qua, một số thông tin không xác thực, đánh giá “cảm tính” về chất lượng xoài ở Đồng Tháp đã khiến nhiều nhà vườn bức xúc và lo lắng.
Nhà vườn Trương Ngọc Bé ngụ phường 6, TP.Cao Lãnh cho biết: “Hơn 3 năm áp dụng TBT trên xoài, tôi rất hài lòng với hiệu quả mà kỹ thuật này mang lại. Kỹ thuật bao trái giúp hạn chế được số lần phun xịt thuốc. Từ đó giúp giảm chi phí trong sản xuất, đặc biệt do xoài bao trái có mẫu mã đẹp, đảm bảo ATVSTP nên giá bán lúc nào cũng cao hơn từ 6 - 8 ngàn đồng/kg so với sản phẩm không được bao trái. Tôi cảm thấy rất bức xúc trước tin đồn xoài Đồng Tháp bị nhiễm hóa chất độc hại do sử dụng TBT. Hi vọng ngành chức năng sớm đính chính và có những thông tin phản hồi để người tiêu dùng và người sản xuất được an tâm”.
Ông Nguyễn Châu Tuấn - Tổ trưởng tổ hợp tác (THT) sản xuất xoài an toàn khóm 6, phường 6, TP.Cao Lãnh cho hay: “Thời gian qua, nhiều lô xoài của THT được xuất khẩu sang Nhật Bản. Để vào được thị trường này, nhà vườn phải sản xuất theo quy trình an toàn, quan trọng nhất là phải áp dụng TBT và đảm bảo các tiêu chuẩn mà đối tác Nhật Bản quy định. Hàng tháng, sản phẩm xoài của THT đều được Trạm bảo vệ thực vật lấy mẫu kiểm tra, vì vậy có thể khẳng định sử dụng TBT xoài hoàn toàn an toàn, không gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng của trái xoài”.
Xác thực về những tin đồn thời gian qua, ông Nguyễn Thành Tài khẳng định, hiện tại sản phẩm xoài của Đồng Tháp đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính trên thế giới. Để đáp ứng được những yêu cầu khắc khe từ các nhà nhập khẩu, thì dùng TBT là một kỹ thuật bắt buộc trong quy trình sản xuất VietGAP để xoài đạt yêu cầu xuất khẩu. Hiện nay, phần lớn các TBT nhà vườn ở Đồng Tháp đang sử dụng được nhập khẩu từ Thái Lan, Đài Loan và Hàn Quốc. Chất lượng các loại TBT này được kiểm tra, đảm bảo chất lượng và hoàn toàn không có hóa chất độc hại.
Đối với hiện tượng vỏ trái xoài chuyển hóa từ màu xanh sang màu vàng khi sử dụng túi bao trái màu vàng là hiện tượng bình thường, hoàn toàn không có yếu tố hóa học tác động. Túi bao trái màu vàng được thiết kế 2 lớp, ngoài cùng là lớp giấy màu vàng, lớp bên trong là lớp carbon có màu đen được sản xuất từ xơ gỗ, có tác dụng che sáng ngăn cản sự quang hợp, giúp vỏ xoài không hình thành diệp lục tố, thúc đẩy vỏ xoài nhanh chóng chuyển từ màu xanh sang màu vàng. Đây là sự chuyển hóa bình thường, hoàn toàn không gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, sản phẩm đảm bảo đạt tiêu chuẩn ATVSTP...
Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 9.000ha sản xuất xoài, có hơn 90% diện tích được áp dụng kỹ thuật bao trái. Với kỹ thuật này, hiện xoài của Đồng Tháp đã xuất khẩu được sang nhiều thị trường lớn, khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand... Dự kiến cuối 2016, xoài Đồng Tháp sẽ tiếp cận thị trường Mỹ. Ngành nông nghiệp Đồng Tháp đang đẩy mạnh chuyển giao các quy trình kỹ thuật tiên tiến nhằm giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, tiến tới đa dạng hóa các sản phẩm xoài sau thu hoạch, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Theo Báo Đồng Tháp