Những ngày này, trên những cánh đồng ớt thuộc địa bàn huyện Thanh Bình, nông dân đang tất bật thu hoạch ớt vụ đông xuân 2015 - 2016. Tuy nhiên, nhiều hộ trồng ớt thuộc địa bàn khóm Phú Mỹ, thị trấn Thanh Bình đang rất lo lắng vì cây ớt bị chết hàng loạt.

 

 

Theo nhiều hộ trồng ớt thuộc địa bàn khóm Phú Mỹ, dạo gần đây nhiều diện tích ớt đang vào thời điểm hơn 100 ngày thì đột nhiên chết. Số diện tích bị ảnh hưởng trên 1,5ha.

 

Gia đình anh Nguyễn Văn Thanh ngụ khóm Phú Mỹ, thị trấn Thanh Bình cho biết, vụ đông xuân này canh tác hơn 2.500m2 ớt, nhưng từ Tết Nguyên đán trở lại đây cây ớt cứ héo úa và chết dần.

 

Xót ruột, gia đình anh Thanh mua một số loại thuốc về xử lý kích thích rễ, diệt khuẩn và nhổ bỏ những cây bị chết tránh lây lan nhưng cũng không cứu vãn được. Đến nay, diện tích ớt bị chết tăng lên 2.000m2. Anh Thanh buồn bã nói: “Cây ớt bị chết hàng loạt khi đã cho thu hoạch 2 đợt (khoảng hơn 90 ngày). Sau đó ớt vẫn xanh tốt nhưng đột nhiên gặp nắng gắt lá bị héo khô và bị chết sau 10 ngày. Tôi nhổ ớt lên kiểm tra thì phần gốc và thân không phát hiện sâu hại hay côn trùng tấn công”.

 

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Hùng ngụ khóm Phú Mỹ cũng lâm vào hoàn cảnh khó khăn do ớt bị chết. Biết hiện tượng này không thể cứu vãn được, anh Hùng cùng gia đình cố gắng thu hoạch số ớt tươi còn lại. Anh Hùng tâm sự: “Tôi nghĩ cây ớt bị chết do những năm gần đây, nước lũ thấp khiến đất mất đi lượng phù sa, nên cây không phát triển tốt. Việc cây ớt bị chết gia đình tôi không thể lường trước được do xảy ra quá nhanh. Ban đầu, chỉ một vài cây bị chết nhưng dần lan rộng ra hơn nửa diện tích. Ớt chết cây gây thất thu sản lượng khoảng 2 tấn ớt, tương đương hơn 25 triệu đồng”.

 

Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thanh Bình, vụ đông xuân 2015 - 2016, toàn huyện xuống giống hơn 30ha ớt. Trong đó, ớt đang giai đoạn 100 - 130 ngày chiếm hơn 23ha, số còn lại là giai đoạn 150 ngày trở lên.

 

Theo nhận định, số diện tích ớt chết phần lớn vào thời điểm cây 150 ngày mang trái. Khi đó nguồn nấm bệnh đã có sẵn trong đất ngay từ đầu vụ, gặp điều kiện thuận lợi bệnh phát triển. Triệu chứng nhận dạng bệnh là phần thân sát mặt đất có vết nấm tạo thành mảng trên bề mặt thân, làm phá hủy hệ thống mạch dẫn của cây khiến cho lá dưới bị vàng rồi lan dần lên các lá trên, cây héo dần rồi chết.

 

Nguyên nhân gây ảnh hưởng đến cây ớt có thể trong giai đoạn chuẩn bị xuống giống, nông dân không chú trọng nhiều khâu làm đất, không bón phân hữu cơ ngay từ đầu vụ. Phần lớn nông dân sử dụng nhiều phân hóa học khiến cây không kịp hấp thu và phát triển không bình thường, dẫn đến bệnh phát triển vào giai đoạn sau. Mặt khác, mật độ trồng khá dày đặc khiến sự phát triển của cây ớt không đồng đều.

 

Song song đó, giai đoạn cây ớt 150 ngày trở lên, cây đã già, chuẩn bị tàn nên đa số nông dân không quan tâm chăm sóc vì bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật cũng không tăng năng suất hay lợi nhuận. Nông dân chỉ tập trung thu hoạch ớt cho đến hết đợt trái và nhổ cây, xử lý đất chuẩn bị cho vụ tiếp theo.

 

Ông Lê Đức Hiền - Phó trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thanh Bình cho biết: “Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ tập trung hướng dẫn nông dân chú trọng khâu chuẩn bị đầu vụ từ vệ sinh đồng ruộng, xử lý đất để diệt nấm bệnh, đến chọn hạt giống khỏe, sạch bệnh để canh tác. Trong quá trình canh tác, hướng dẫn người dân tạo sự thông thoáng cho cây ớt như lên liếp với độ cao phù hợp nhằm hạn chế ngập úng đối với những vùng trũng thấp. Khuyến cáo người dân phải theo dõi và kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, nhất là khi vào mùa mưa để có những biện pháp xử lý kịp thời”.

 

Theo Báo Đồng Tháp

.