Trước đây, người nông dân trồng thanh long ở Hàm Thuận Nam nói chung và các địa bàn khác nói riêng đã phải tỉa bỏ những búp thanh long để cho cây nuôi trái tốt hơn thì nay những búp thanh long tưởng như bỏ đi này đã được thương lái thu mua. Đây là cơ hội tốt để nông dân trồng thanh long có thêm nguồn thu nhập và cũng là cơ hội để thương lái có nguồn hàng sơ chế xuất khẩu.

 


Hàm Thuận Nam là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất tỉnh, trong vòng 15 năm trở đây nhờ có cây thanh long mà đời sống bà con trong huyện tăng lên rõ rệt, nhiều trang trại thanh long hình thành và phát triển, làm thay đổi bộ mặt nông thôn Hàm Thuận Nam, sản phẩm được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, EU… Hàm Thuận Nam còn là địa phương đi đầu trong tỉnh về xóa đói giảm nghèo nhờ cây thanh long. Nếu như trước đây, người trồng thanh long thấy trên 1 dây ra quá nhiều búp thì họ phải tỉa bỏ, mỗi dây chỉ để từ 1 đến 2 búp cho ra trái, một phần để dây khỏe, một phần cho trái to và mọng hơn mới có cơ hội thương lái thu mua hàng xuất khẩu. Thời gian ngần đây, đã có thương lái thu mua búp thanh long bỏ đi này để sơ chế như sấy khô đóng gói để xuất khẩu. Đặc biệt vào chính vụ, những vườn thanh long ở Hàm Thuận Nam ra hoa rộ, và lượng búp phải tỉa bỏ là rất lớn. Theo nhiều người trồng thanh long việc bán búp thanh long không có gì là bất thường mà ngược lại, nó còn giúp họ kiếm thêm được một phần thu nhập để bù vào chi phí đầu tư chăm sóc cho mỗi vụ thanh long. Ông Nguyễn Văn Cửu, trú tại thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam có 1.000 trụ thanh long cho biết: Gia đình tôi làm thanh long hơn 15 năm nay, dù thanh long chính vụ hay chong đèn, nếu như dây nào ra nhiều búp tất nhiên phải chọn những búp nhỏ hơn để tỉa bỏ, nếu để quá nhiều búp là nuôi không nổi.

Khi nông dân tỉa bỏ búp thanh long vứt ngay gốc, cơ sở chế biến và sấy khô Hoa Bá Vương đã lập cơ sở chế biến và sấy khô búp thanh long tại xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, khai trương và đi vào hoạt động vào ngày 15/9/2015 vừa qua. Chủ cơ sở này cho biết, việc hình thành cơ sở chế biến hoa thanh long để làm thực phẩm (giống như măng khô) và làm nguyên liệu chế biến dược phẩm. Nguồn hàng khi được sấy khô sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện tại cơ sở đã đầu tư nhà xưởng rộng 1.752 m2 trên diện tích đất 4.194m2 với năng lực chế biến 15 tấn hoa thanh long/ngày. Tiến tới xây dựng mạng lưới nhà xưởng để chế biến hoa thanh long trong toàn huyện Hàm Thuận Nam. Tổng mức đầu tư ở giai đoạn 1 là 11,5 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án khoảng 20 năm. Hiện tại cơ sở đang sử dụng khoảng 30 công nhân là người địa phương có mức thu nhập từ 3 - 6 triệu đồng/tháng. Sắp tới cơ sở sẽ tuyển dụng thêm hơn 50 lao động nữa nếu như nguồn hàng ổn định. Nguồn hàng chính mà cơ sở hiện nay thu mua là của nông dân địa phương khi tỉa bỏ những búp thanh long không cần thiết trên những trụ thanh long ra quá nhiều búp với giá từ 2.500 - 4.000 đồng/kg tùy vào thời điểm. Một lãnh đạo huyện Hàm Thuận Nam cho biết: Với những búp thanh long trước khi nở hoa phải tỉa bỏ là một việc làm cần thiết để đảm bảo cành thanh long có đủ dưỡng chất để nuôi những quả còn lại đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Còn những búp thanh long tỉa bỏ thì người dân thu gom bán cho thương lái. Trước mắt, việc thu mua búp thanh long là có lợi cho nông dân và đây chỉ là một hoạt động giao thương bình thường. Riêng cơ sở sấy khô và chế biến búp thanh long Hoa Bá Vương đặt trên địa bàn huyện đã được cấp phép hoạt động của cấp có thẩm quyền của tỉnh.

Việc đầu tư cơ sở chế biến búp thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam sẽ góp phần đáng kể trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, duy trì và phát triển vùng trồng cây thanh long trên địa bàn. Tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân địa phương. Bên cạnh đó còn cung cấp một sản phẩm giá trị gia tăng cho thị trường trong nước và xuất khẩu…

 

Theo Báo Bình Thuận

.