Ngày 21/7/2016, Cơ quan An toàn thực phẩm Hongkong đã yêu cầu ParknShop thu hồi số thịt ngựa giả thịt bò được bày bán tại những chuỗi cửa hàng của họ tại Hongkong và trên thế giới. Không chỉ tại Hongkong, trong quá khứ và hiện nay, thế giới có những vụ làm thịt giả gây xôn xao dư luận.

 

 

Ngày 12/2/2013, Pháp trở thành quốc gia châu Âu thứ nhì xác nhận có sự kiện thịt đông lạnh đem bán cho dân chúng, thay vì thịt bò lại hóa ra thịt ngựa. Picard - nhà buôn lẻ có hằng trăm tiệm trên khắp nước Pháp, cho biết qua nhiều thử nghiệm, xác nhận có thịt ngựa hiện diện trong hai lô thịt “bò” đông lạnh và được thu hồi, sau khi vụ tai tiếng đổ bể. Hệ thống này quyết định cho thu hồi tất cả sản phẩm của Comigel, chủ yếu là món Findus lasagne vốn bị phát giác ở Anh là gồm 100% thịt ngựa.

 

Các nhà buôn lẻ ở Anh, Thụy Ðiển, Pháp, Thụy Sĩ và Hà Lan cũng cho thu hồi các sản phẩm của Comigel như thịt viên, hamburger, lasagne... ngay sau khi Comigel báo động có sự hiện diện của thịt ngựa trong sản phẩm Findus. Về phần Comigel, họ phủ nhận không làm gì sai trái vì họ nhận thịt từ một công ty Pháp khác tên Spanghero, công ty này lại nói rằng nhận nguồn tiếp tế từ hai lò tế sinh ở Romania, được xem là thủ phạm tráo thịt ngựa cho thịt bò.

 

Mì Ý cũng bị giả. Trong lúc vụ bê bối thịt ngựa giả bò tại một số nước châu Âu vẫn còn chưa lắng xuống, thì Ý cùng một số nước khác tiếp tục phát hiện nhiều sản phẩm “độn” thịt heo dù treo nhãn “100% bò”: trong đợt xét nghiệm DNA vào năm 2015, hiệp hội Người tiêu dùng Test-Achats của Bỉ đã xác nhận sản phẩm mì Ý xốt bò bằm tại siêu thị Carrefour Discount có từ 30-60% thịt heo.

 

Nghiêm trọng hơn, ở Na Uy và Anh, các chuyên gia đã tìm thấy lượng thịt lợn với tỷ lệ từ 5-30% trong nhiều thực phẩm chế biến sẵn. Nhiều sản phẩm chế biến từ thịt ngựa được bày bán trong các siêu thị ở những nước này đã bị thu hồi. Bê bối “thịt giả” lan rộng khắp châu Âu khiến người tiêu dùng hoang mang với chất lượng các sản phẩm trên thị trường. Đơn cử như tại Ý và Tây Ban Nha, công ty thực phẩm lớn nhất thế giới Nestlé đã cho thu hồi sản phẩm mì pasta thịt bò khỏi các kệ hàng tạp hóa sau khi xét nghiệm DNA cho thấy có thịt ngựa. Thịt ngựa cũng được phát hiện có trong thành phần của hai sản phẩm ravioli và tortellini được bán dưới nhãn hiệu Buitoni.

 

Theo thông báo của Bộ Công an Trung Quốc, trước đó, hơn 50 tấn thịt cừu giả chứa chất phụ gia gây ung thư đã bị phát hiện tại một nhà máy ở Đông - Bắc Trung Quốc. Toàn bộ số sản phẩm trên được tái chế từ thịt vịt, mỡ cừu cùng nhiều chất phụ gia khác tại Nhà máy Chế biến Thịt Shengtai, thuộc thành phố Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh.

 

Ngày 27/2/2013, lãnh đạo Cơ quan Giám sát Thú y Ba Lan Yanush Zvenzek cho biết nước này đã phát hiện trong sản phẩm thịt bò của ba doanh nghiệp chế biến thực phẩm có chứa thịt ngựa. Cung cấp cho ba nhà chế biến thịt nói trên không chỉ có doanh nghiệp của Ba Lan mà còn có doanh nghiệp của Hà Lan. Ngoài ra, cơ quan chức năng Ba Lan còn đang điều tra làm rõ hàng tấn thịt của một công ty chuyên sản xuất bánh hamburger bị nghi ngờ pha trộn thịt ngựa.

 

Cùng ngày, Cơ quan An toàn thực phẩm Hy Lạp thông báo đã phát hiện một lô thịt bò nhập khẩu từ Romania có pha trộn thịt ngựa. Vụ việc được phát giác ngay sau khi cơ quan chức năng Hy Lạp ra lệnh kiểm tra đồng loạt tất cả các sản phẩm thịt được nhập khẩu từ Romania. Vụ bê bối không chỉ xảy ra trong nội khối EU, mà đã xuất hiện trên thị trường Nga. Ngày 27/2/2013, Cơ quan Giám sát Nông nghiệp Nga cho biết sau khi tiến hành xét nghiệm DNA các mẫu lấy từ lô hàng hơn 20 tấn xúc xích heo nhập khẩu từ Áo, đã phát hiện trong thành phần có cả thịt ngựa, thịt gà, thịt bò và đậu nành!?

 

Trong khi đó, theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng, thực phẩm và nông nghiệp của Đức, tính tới thời điểm hiện tại, nước này đã lấy 1.323 mẫu sản phẩm thịt để tiến hành xét nghiệm DNA và phát hiện 79 trường hợp có pha trộn thịt ngựa.

 

Việc các chủ cửa hàng dùng thịt heo cùng các loại thịt khác như ngựa, giả thịt bò, tuy đã bị cơ quan chức năng nhiều nước trên thế giới khuyến cáo, nhưng vì lợi nhuận, có người vẫn làm giả. Ngày 20/2/2016, Cơ quan An toàn thực phẩm Hongkong cũng đã yêu cầu ParknShop - một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất tại nước này trước đây vốn đã vi phạm Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, thu hồi số thịt ngựa giả thịt bò được bày bán tại những chuỗi cửa hàng của họ tại Hongkong và trên thế giới.

 

Theo Người tiêu dùng

.