(BVPL) - Tình trạng cắt giảm nhân sự ngân hàng đang diễn ra như một cơn sóng ngầm trong bối cảnh tái cấu trúc lại hệ thống, khiến nhiều nhân viên thấp thỏm lo sợ không biết mình thất nghiệp lúc nào.
Chị Thanh Mai, nhân viên một ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ có trụ sở tại Long An cho biết, cả tháng nay, nhà băng chị đã lên danh sách cắt giảm nhân sự với số lượng lớn. Trước khi cắt, ngân hàng cho phỏng vấn lại một cách nghiêm túc năng lực của nhân viên. "Chúng tôi đang hồi hộp chờ đợi kết quả để biết được ai phải ra đi và ai được ở lại", chị nói.
|
Nhân viên ngân hàng đang đối mặt cuộc thanh lọc nhân sự. Ảnh: Đầu tư |
Cán bộ tín dụng một nhà băng lớn tại TP HCM cũng cho hay, ngân hàng anh đang diễn ra sự "thanh lọc" quy mô lớn. Anh cho biết, nhà băng tổ chức thi sát hạch nghiệp vụ hàng tháng và sẵn sàng loại bỏ những người không đáp ứng yêu cầu.
Trong khi đó, một giao dịch viên của một chi nhánh ngân hàng đóng trên đường 3/2, quận 10 TP HCM than thở, chị vừa biết mình nằm trong danh sách bị cắt giảm nhân sự. "Họ chỉ nhắn một câu ngắn gọn rằng đây là chính sách chung của ngân hàng. Nghe tin mà tay chân tôi bủn rủn. Giờ tôi biết tìm việc ở đâu trong lúc kinh tế khó khăn này. Tôi thực sự chạnh lòng khi nghĩ về những ngày Tết sắp tới".
Tại Hà Nội, nam nhân viên phụ trách khối doanh nghiệp một ngân hàng cổ phần cũng cho biết, vài tháng gần đây, ngân hàng anh không tiếp tục gia hạn với những hợp đồng hết hiệu lực. Một số nhân viên trong diện "sàng lọc, cắt giảm" tạm thời bị chuyển từ hợp đồng dài hạn sang hợp đồng thời vụ.
Anh Toản, nhân viên phòng công nghệ một nhà băng được Ngân hàng Nhà nước xếp vào nhóm một, cho biết không bị ép nghỉ việc nhưng với lương giảm đáng kể, tiền thưởng bị cắt hẳn, hợp đồng lao động mãi không được gia hạn nên nhiều người đã phải tự nguyện xin nghỉ.
Theo nhìn nhận của một lãnh đạo ngân hàng cổ phần nhỏ tại TP HCM, hiện nay kinh tế suy thoái, bất động sản đóng băng, nợ xấu đến mức báo động, nên các ngân hàng hầu hết đều không có lợi nhuận. Theo bà, tình cảnh trên kéo dài từ năm ngoái, và các ông chủ nhà băng đã "thấm đòn". Hiện nay hầu như chỉ cố gắng lấy ngắn nuôi dài, loay hoay đảo nợ, cơ cấu,... chờ đợi hết suy thoái, khủng hoảng và cắt giảm chi phí triệt để. Vì thế mới có chuyện giảm biên chế, giảm lương. Bà dự báo, từ giờ tới năm sau, ngành ngân hàng phải sa thải khoảng 1/4 số nhân viên và cắt giảm khoảng 1/3 chi phí lương thưởng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Phương Đông (OCB) Trịnh Văn Tuấn nhìn nhận, trong thời điểm bình thường, việc đào thải những nhân sự yếu để thay vào người giỏi hơn cũng thường xuyên xảy ra. Giờ đây, tiến trình cấu trúc lại hệ thống ngân hàng diễn ra mạnh mẽ thì việc một số nhà băng giảm 10-15% nguồn nhân lực cũng là điều bình thường.
Riêng OCB, ông Tuấn cho biết, nhà băng mình vừa mới qua giai đoạn cấu trúc lại hệ thống suốt 2 năm qua và đây là thời điểm phải đẩy mạnh phát triển. Do đó, hiện Phương Đông không có tình trạng giảm biên chế, sa thải nhân viên.
Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á Trần Anh Tuấn thì cho rằng, do dự đoán trước được tình hình nên nhà băng này đã có kế hoạch về nhân sự khá hợp lý trước đó, không tiếp nhận nhân sự quá nhiều nên giờ không xảy ra tình trạng "thừa người" và phải cắt giảm.
Ông cho biết, trong năm nay, NamABank chỉ có điều chỉnh, luân phiên nhân viên tới những vị trí phù hợp hơn, hoặc những người nào chưa đạt yêu cầu thì cho đào tạo lại để nâng cao năng lực và tiếp tục công tác, ngoại trừ những nhân viên vi phạm thì mới cho thôi việc.
Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) cũng khẳng định sẽ giữ lời cam kết không sa thải bất cứ một nhân viên nào dù ngân hàng đang gặp khó khăn và vừa có kết quả thua lỗ trong quý III. "Thời gian tới chúng tôi không có kế hoạch cắt giảm nhân sự. Để hợp lý hóa chi phí, ACB sẽ tìm cách tăng năng suất, chất lượng của nhân viên", ông Nguyễn Thanh Toại - Phó tổng giám đốc ACB nói.
Trong khi đó, mặc dù bị "tố" cắt giảm nhân sự hàng loạt và ép họ tự viết đơn xin nghỉ việc nhưng đại diện Ngân hàng thương mại Đông Nam Á (SeaBank) vẫn cho biết thời điểm này không có chiến lược cắt giảm.
Lãnh đạo Maritime Bank cũng cho biết, tổng nhân sự của ngân hàng đến nay vẫn gần 4.000 người, trong đó hợp đồng thử việc và thời vụ chỉ chiếm 5%. Đại diện nhà băng này cho hay, từ nay đến cuối năm sẽ không mở rộng tuyển thêm, dự kiến chỉ tuyển thêm khoảng 1%.
Lý giải việc nhân viên bảo có, ngân hàng bảo không trong câu chuyện cắt giảm nhân sự này, phó phòng quản trị nguồn nhân lực của một ngân hàng cho rằng, đây là việc dễ hiểu bởi các ngân hàng không muốn gây nên cú sốc và sự hoang mang cho nhân viên trong thời điểm này. Vị này phân tích: "Giờ nếu tuyên bố công khai việc cắt giảm nhân sự, các nhân viên sẽ hoang mang và chưa kể, ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên sau này".
Trước thực tế trên, ông Lưu Trung Thái, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), người đang làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Chứng khoán MB cũng bày tỏ, bài toán sàng lọc nhân sự chắc chắn cần được đặt ra trong bối cảnh lợi nhuận các ngân hàng ngày một sụt giảm, thách thức tăng lên.
"Thách thức lớn nhất đối với mỗi doanh nghiệp hiện nay là doanh thu, các chỉ tiêu kinh doanh giảm, nên phải điều chỉnh kế hoạch về chi phí. Thậm chí, kể cả trong điều kiện kết quả kinh doanh tốt, có thể chính sách nhân sự mỗi nơi khác nhau nhưng tôi tin các tổ chức, ngân hàng đều xác định tỷ lệ sàng lọc nhất định, thường tiêu chuẩn là 5-10%", ông Thái nói.
Theo VnExpress