Tại hội thảo "Nhà thầu Việt, cần gì để thắng thầu" do Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam tổ chức ngày 2/6, các chuyên gia cho rằng, nhiều doanh nghiệp nội đã khẳng định được vị trí như Vinaconex, Sông Đà, Lilama... Song thực tế, phần lớn vẫn đang yếu thế.
Hầu hết dự án lớn thực hiện bằng các nguồn vốn ngân sách nhà nước, đầu tư nước ngoài... đều do nhà thầu quốc tế đảm nhận. Đặc biệt gói thầu EPC (gói thầu thực hiện theo phương thức chìa khóa trao tay) thì nhà thầu Trung Quốc chiếm đến 90%. Trong khi đó, các công ty nội địa được làm tổng thầu chiếm tỷ lệ thấp và chủ yếu giữ vai trò thầu phụ.
|
Nhà thầu nội chưa có sự chuẩn bị về kinh nghiệm, tài chính, nhân lực. Ảnh: Hoàng Hà. |
Thống kê của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, năm 2010 có tới 248.000 tỷ đồng giá trị gói thầu xây lắp. Trong đó, Trung Quốc chiếm đến gần 50% giá trị gói thầu, Việt Nam 39%, còn lại là Nhật Bản và các nước khác.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh nhận định, nhà thầu nội mặc dù đã có nhiều nỗ lực song vẫn bị lép vế trên sân nhà. Hằng năm có khoảng 150 công trình xây dựng song phần lớn do các nhà thầu đến từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đảm nhận. "Năng lực tài chính hạn chế dẫn, thiết bị yếu, năng suất lao động thấp khiến nhà thầu nội thua cuộc", ông Khánh cho hay.
Nhiều chuyên gia cho rằng ngoại tệ và tỷ giá đang là vấn đề cản trở lớn nhất của các nhà thầu trong nước. Trong khi các nhà thầu nước ngoài được phép chào thầu, thanh toán bằng ngoại tệ thì doanh nghiệp Việt chỉ được thanh toán bằng tiền đồng. Sự mất giá của đồng Việt Nam quá nhanh làm nhà thầu nội gặp rủi ro lớn.
Ông Trần Khánh Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kiểm toán Nhà nước cho hay, doanh nghiệp nội phần lớn có vốn ít lại bị chủ đầu tư nợ đọng khiến họ thêm khó khăn. Nhiều dự án đã được chủ đầu tư phê duyệt nhưng lại vượt quá khả năng vốn khiến doanh nghiệp đôn đáo đi vay. Trong khi đó, lãi suất huy động vốn rất cao, đến khi nhận được tiền thanh toán thì số tiền lãi vay ngân hàng đã lên cao chót vót.
Thêm vào đó, không ít doanh nghiệp xây lắp đầu tư ngoài ngành như chứng khoán và bất động sản khiến vốn chi cho trang thiết bị công nghệ, nhân lực bị hạn chế. "Sức ép về vốn đã làm nhụt chí doanh nghiệp khi tham gia các dự án lớn. Vốn lớn chính là một lợi thế với các nhà thầu nước ngoài", ông Hòa cho hay.
Đói vốn, bị ngân hàng quay lưng, doanh nghiệp vẫn phải hạ giá thầu thấp hơn giá chuẩn khoảng 15% thậm chí 30% để được trúng thầu. "Đây là con đường ngắn nhất đưa nhà thầu tới chỗ kiệt quệ vốn, làm dự án chậm tiến độ", ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch thường trực Hội khoa học cầu đường VN nhận định.
Tiến sĩ Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam cho rằng: "Doanh nghiệp Việt chưa có sự chuẩn bị về kinh nghiệm, tài chính, nhân lực cho cuộc chơi một cách sòng phẳng nên yếu thế". Ông này đề xuất nên chia các gói thầu trọng điểm thành nhiều phần nhỏ để tạo điều kiện giúp doanh nghiệp trong nước tham gia. Ông Huynh đưa ra ví dụ, gói thầu nhà máy xi măng An Phú được chia thành các gói thầu nhỏ, đã thu hút nhiều nhà thầu trong, ngoài nước tham gia. Cuối cùng liên danh các nhà thầu Lilam và Vinaconex với các nhà thầu Đức đã trúng thầu.
Ông Hòa cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp nội như cho vay ưu đãi, thanh toán kịp thời cho nhà thầu thi công, tránh thanh toán dây dưa để làm đà cho nhà thầu nội đi lên.
Hoàng Lan