Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Võ Thành Danh, Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Cần Thơ, kể từ sau đổi mới (1986), kinh tế TP Cần Thơ đã có những bước tiến dài.


Theo đó, để phát triển nguồn nhân lực, thành phố cần xây dựng chiến lược dài hạn và đặt phát triển giáo dục đào tạo, đào tạo nghề trong mối quan hệ tổng thể và đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, cần xây dựng chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực bậc cao chuẩn bị cho quá trình công nghiệp hóa thành phố trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, tuy cơ cấu chuyên môn được đào tạo tương đối phù hợp với cơ cấu kinh tế hiện nay của thành phố nhưng cơ cấu nghề nghiệp lại không tương ứng với cơ cấu kinh tế và cơ cấu chuyên môn được đào tạo. Điều này đòi hỏi thành phố phải điều chỉnh lại các chính sách khuyến khích, huy động và sử dụng lao động sao cho phù hợp. Và một trong những chính sách hàng đầu được đề xuất là phát triển thị trường lao động có định hướng; gắn đào tạo với sử dụng lao động; đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và quá trình công nghiệp hóa sắp tới.

Để trở thành trung tâm khoa học, công nghệ của ĐBSCL, thành phố cần có chiến lược phát triển khoa học, công nghệ theo hướng "đi tắt, đón đầu" bằng cách dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho các đề án phát triển công nghệ sinh học, bảo quản chế biến nông sản, thông tin truyền thông, tự động hóa, vật liệu mới... Đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có hoạt động đổi mới công nghệ; nghiên cứu và phát triển (R&D); liên kết với các viện, trường trong nước và quốc tế để hình thành và phát triển thị trường khoa học công nghệ. Bên cạnh các yếu tố bên ngoài, doanh nghiệp TP Cần Thơ cần tiếp tục củng cố nội lực để vững tin hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng. Trước hết, doanh nghiệp tăng cường sự đồng thuận và đoàn kết nội bộ. Bởi doanh nghiệp chỉ thực sự vững mạnh để đối phó với bên ngoài khi nội bộ ổn định với bộ máy làm việc hiệu quả. Một vấn đề không kém phần quan trọng là doanh nghiệp phải nhanh chóng ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các dây chuyền sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, liên kết vùng được xem là nguồn lực mới, tạo thêm thế và lực cho TP Cần Thơ khi bước sang giai đoạn phát triển mới. Do đó, Cần Thơ và các tỉnh vùng ĐBSCL cần rà soát lại các chương trình, kế hoạch liên kết theo hướng thực chất hơn thay vì mang nặng tính chính trị như hiện nay. Các chương trình liên kết cần có sự tham gia của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có thế mạnh của địa phương. TP Cần Thơ đóng vai trò tiên phong thực hiện thí điểm chương trình liên kết lớn, có tính đột phá (tổ chức sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, thủy sản, cây ăn trái), tạo đà cho các chương trình liên kết tiếp theo. Đồng thời, tạo lập các điều kiện thuận lợi để hình thành nền tảng kinh tế cơ bản như cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, chính sách tài khóa, bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực và quyết tâm của địa phương, Cần Thơ và các tỉnh rất cần sự đầu tư ban đầu từ Chính phủ để tạo động lực, bước đệm đưa kinh tế vùng ĐBSCL sang trang mới.
 

Theo Báo Cần Thơ
.