Người tiêu dùng vẫn e dè với xăng E5
Cập nhật lúc 13:01, Thứ bảy, 18/07/2015 (GMT+7)
Nhờ trích quỹ bình ổn thấp, chỉ 40 đồng/lít, xăng E5 hiện có giá bán lẻ 21.310 đồng/lít, rẻ hơn xăng A92 là 320 đồng/lít. (xăng E5, giá xăng, thị trường)
Nhờ trích quỹ bình ổn thấp, chỉ 40 đồng/lít, xăng E5 hiện có giá bán lẻ 21.310 đồng/lít, rẻ hơn xăng A92 là 320 đồng/lít.
Người dùng e dè...
Quan sát tại một số điểm có bán xăng E5 như cây xăng ngay ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu (quận 5), cây xăng trên đường Lý Chính Thắng, ngay ngã tư với Trương Định (quận 3),... trụ bơm xăng E5 luôn vắng khách. Cửa hàng trưởng xăng dầu ngã tư Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu cho biết “nhìn chung là rất yếu” kể từ khi TP.HCM triển khai bán xăng E5 đại trà từ ngày 1-12-2014. Lý do được ông giải thích là do người tiêu dùng còn thờ ơ với loại xăng mới dù thông tin quảng cáo về lợi ích khá nhiều. Ông cũng cho biết, người dùng dễ dàng nhận biết cây xăng có bán xăng sinh học E5, vì cửa hàng có treo bảng hiệu. Tuy nhiên, việc tiêu thụ xăng E5 vẫn còn chậm so với dự tính.
Anh Huỳnh Lợi (quận 3) - một nhân viên giao hàng cho biết: “Thực sự mình cũng tìm hiểu về giá cả, ưu và khuyết điểm của xăng E5 này rồi. Dù công việc phải di chuyển hàng ngày và cứ hai ngày mình phải đổ gần 100.000 đồng tiền xăng, nhưng hiệu quả như quảng cáo như kích nổ máy nhanh, hạn chế xe ra khói... thì bằng mắt thường và bằng cảm quan mình không nhận biết được. Hơn nữa, hiện giờ không phải cửa hàng xăng dầu nào cũng có xăng E5. Sợ đổ xăng đó quen, gặp trường hợp bất khả kháng phải quay lại đổ xăng A92 hay 95 thì xe trục trặc nữa sẽ mệt”.
...khiến doanh nghiệp e ngại
TP.HCM đã có hơn 50 trên 510 cửa hàng có bán xăng E5. Theo đó, toàn thành phố có 10 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Nhưng chỉ có 5 trong số đó kinh doanh xăng E5. Vì sao lại có vấn đề này khi Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý áp dụng biện pháp trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 thấp hơn đối với xăng RON 92 trong năm 2015 để tạo chênh lệch giá bán xăng E5 thấp hơn so với giá bán xăng RON 92 từ 300 - 500 đồng/lít nhằm khuyến khích sử dụng xăng E5? Lý do thực sự không phải vì người tiêu dùng thờ ơ mà nguyên nhân chính là việc kinh doanh xăng E5 không có hiệu quả kinh tế nên mới có tình trạng các doanh nghiệp cứ nằm đó chờ thời, đợi thời cơ thích hợp hơn.
Một đơn vị đầu mối đã triển khai bán xăng E5 cho biết trong lúc giá xăng A92 giảm thì giá cồn lại không thể giảm tương ứng vì được sản xuất từ nguyên liệu khác, không phụ thuộc vào giá dầu thô. “Chúng tôi cũng không thể ép nhà cung cấp cồn hạ giá vì họ đã bán dưới giá thành và thực tế là càng đẩy mạnh việc phối trộn và bán ra xăng E5 thì càng lỗ vì giá thành đang cao hơn xăng A92. Việc giảm trích quỹ bình ổn đứng về phía người tiêu dùng thì có lợi nhưng với DN thì không hỗ trợ được gì” - vị này nhìn nhận.
Thực tế, nguồn cồn sinh học được sử dụng trong xăng E5 hiện nay hầu hết từ nguồn sản xuất trong nước, chỉ một lượng nhập khẩu rất nhỏ. Nguồn Ethanol do Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) dùng pha xăng E5, RON92 hoàn toàn được sản xuất tại Việt Nam. Điều này có nghĩa Nhà nước đã hỗ trợ hết mình, tối đa để người dân và doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung trong việc sử dụng xăng E5.
Nếu tốt, Nhà nước cứ mạnh dạn thay đổi
Theo lộ trình thực hiện bán xăng sinh học E5 trên địa bàn TP.HCM, dự kiến đến ngày 30-6-2015 sẽ triển khai thêm 115 cửa hàng xăng dầu thuộc các tổng đại lý trên địa bàn thành phố tham gia phân phối xăng E5 thay thế xăng A92 hiện nay. Đến ngày 31-12-2015, phấn đấu 100% (510 cửa hàng) tại thành phố đều bán xăng E5.
Đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đầu tư 270 triệu USD xây dựng 3 nhà máy sản xuất ethanol tại Bình Phước, Phú Thọ và Dung Quất (Quảng Ngãi) với tổng công suất 300.000 m3/năm theo đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 11-2007. Tuy nhiên, do những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đến nay, quyết định về việc ban hành lộ trình bắt buộc áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống vẫn đang trong giai đoạn được Bộ Công Thương soạn thảo.
Theo NTD
.