Nỗi sợ mang tên hóa chất
Thức ăn vỉa hè hiện đang là lựa chọn ưu tiên của một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên vì đó là cách tiết kiệm và tiện lợi nhất, phù hợp túi tiền các bạn. Tại nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM, hiện tượng hàng rong luôn có chiều hướng nở rộ. Mặc dù biết rằng thức ăn tại vỉa hè chế biến không mấy sạch nhưng nhiều bạn vẫn lựa chọn ăn cho qua bữa mà không biết sức khỏe, thậm chí là tính mạng của mình đang bị đe dọa nghiêm trọng.
|
Bếp ăn Công nghiệp. |
Phạm Thị Mỹ Dung, sinh viên Đại học sư phạm TP.HCM, chia sẻ: “Mình thấy thức ăn bán trên vỉa hè được nấu khá ngon, bên cạnh đó giá cũng rẻ nữa, giúp mình tiết kiệm được một ít tiền để bù qua những khoản khác”. Sự thật trong những thức ăn vỉa hè như bún, hủ tiếu... hàn the là chất phụ gia không thể thiếu. Nó được cho vào để thịt được săn, giòn và tươi hơn, còn bún mì có chúng sẽ trắng và trở nên dai hơn.
Ngoài ra, thức ăn vỉa hè cũng chế biến từ các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc. Lại bán ở vỉa hè, có khi gần cống rãnh, không được che đậy kỹ, người bán không thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm, và thực phẩm chín lại để gần thực phẩm sống... nên vi khuẩn rất dễ bám, nhiễm vào.
Hàn the phổ biến trong các chất tẩy rửa, chất làm mềm nước, làm chậm lại quá trình phân hủy thực phẩm, khiến thịt cá giữ được vẻ tươi lâu hơn. Khi vào cơ thể, nó khó bị đào thải mà tích tụ ở gan, gây bệnh mãn tính. Hàn the gây kích thích thần kinh dẫn đến trầm cảm, suy giảm trí nhớ hoặc kích thích màng não, thay đổi nhiệt độ cơ thể. Với đường niệu, hàn the gây hư hại đặc biệt cho thận và toàn thân, gây rối loạn chức năng, yếu ớt, bất lực, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc...
|
Lực lượng chức năng kiểm tra quá trình chế biến thức ăn một bếp ăn công nghiệp. |
Nguy hiểm từ những bếp ăn tập thể
Chỉ trong 4 tháng đầu năm, số lượng người ngộ độc thực phẩm đã tăng đáng kể. Hầu hết ca ngộ độc này xuất phát từ những bếp tập thể (công nhân sử dụng thức ăn từ bếp của công ty, còn học sinh, sinh viên thì ăn tại trường).
Ngày 5/2/2015, hơn 1.500 công nhân của công ty TNHH Wooyang Vina II (quận 12, TP.HCM) sau khi dùng cơm trưa (gồm cá biển chiên, gà kho, canh cải thảo) khoảng 80 công nhân có biểu hiện ngộ độc thực phẩm như đau bụng, nôn ói... Được biết công ty hợp đồng với một đơn vị bên ngoài vào nấu tại bếp ăn công ty.
|
Gần 100 học sinh trường tiểu học Long Bình TP.HCM đang cấp cứu tại bệnh viện. |
Nguyên nhân vụ ngộ độc được cơ quan chức năng điều tra xác định, cá trong thực đơn của công nhân có chất histamin. Histamin là chất trung gian hóa học có vai trò trong phản ứng viêm và dị ứng, trong sự bài tiết dịch vị, cũng có chức năng như chất dẫn truyền thần kinh và điều biến thần kinh.
Tiếp đó, vào ngày 3/3 tại trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (P.7, Q.3) vụ việc tương tự cũng xảy ra. Sau bữa ăn trưa, có tới 65 học sinh gặp phải triệu chứng đau đầu, chóng mặt, nôn ói. Trong số đó có 4 học sinh bị nặng với các triệu chứng nôn ói, đau bụng, tiêu chảy phải chuyển tới bệnh viện quận 3 cấp cứu. Nguyên nhân được xác định là do nhiễm vi sinh Escherichia coli trong món chuối cau.
Theo phân tích đánh giá của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm, gần 70% vụ ngộ độc xảy ra từ bếp ăn tập thể. Tác nhân dẫn đến ngộ độc tập thể là do những bữa ăn của công nhân tại một số khu công nghiệp phần lớn là quá thiếu năng lượng và dinh dưỡng.
Theo báo cáo về công tác y tế, trong tháng 2/2015, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm làm 138 người nhập viện và 1 trường hợp tử vong.
Năm 2014, toàn quốc ghi nhận gần 200 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 5.100 người mắc, 4.100 người đi viện và 43 trường hợp tử vong.
Một trong số các nguyên nhân gây nên những vụ ngộ độc đáng tiếc này là do hóa chất đã được sử dụng bừa bãi trong khâu chế biến, từ những thức ăn có mặt tại các vỉa hè, lề đường đến cả nhà ăn, bếp ăn tập thể.
|
Theo Người tiêu dùng