Chơi “biêu, hụi” có vi phạm pháp luật hay không?

Thời gian qua, xảy ra nhiều vụ án liên quan đến việc chơi “biêu, hụi”. Chủ yếu các vụ án đã xảy ra đều ở tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Việc chơi “biêu, hụi” đã được pháp luật quy định rõ ràng trong Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị định 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Việc chơi “biêu, hụi” là không vi phạm pháp luật và không bị xử phạt trừ trường hợp có vi phạm về lãi suất.

Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Họ, hụi, biêu, phường được xác định là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán được thực hiện dựa trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người  cùng tập hợp lại với nhau để định ra số người chơi, thời gian tham gia, số tiền hoặc tài sản khác, phương thức góp, cách thức lĩnh hụi cũng như quyền và nghĩa vụ của các thành viên.

leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Thị Mai Trâm có đơn tới Công an tố cáo con hụi làm giả lệnh chuyển tiền để chiếm đoạt tiền.

Còn Điều 3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP thì việc tổ chức hụi phải tuân theo các nguyên tắc sau: Đảm bảo việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự; Mục đích của việc tổ chức hụi là nhằm tương trợ lẫn nhau giữa những người cùng tham gia.

Nghiêm cấm thực hiện hành vi lợi dụng việc tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động nguồn vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Pháp luật đã có quy định, tuy nhiên trong thời gian qua, vẫn có những vụ án liên quan đến việc chơi “biêu, hụi”. Những vụ án này thường xảy ra khi chủ dây “biêu, hụi” hoặc con hụi lợi dụng việc chơi “biêu, hụi để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại TP Đà Nẵng, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vừa thụ lý, và ra thông báo hướng dẫn vụ việc chủ dây “biêu,hụi” tố con hụi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức lập và sử dụng các lệnh chuyển tiền giả trong việc góp tiền hụi.

Hy hữu chủ “hụi” tố con “hụi” lừa tiền

Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vừa có các phiếu hướng dẫn đến bà Nguyễn Thị Mai Trâm (SN 1987, trú quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Trước đó, bà Trâm có đơn tố cáo con hụi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà. Phiếu hướng dẫn của Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng cho biết, việc tham gia chơi “biêu hụi” là các bên đều hiểu, biết, cùng tự nguyện, không có ai bị dụ dỗ, ép buộc. Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng nhận thấy việc tranh chấp tiền chơi “biêu, hụi” là tranh chấp dân sự và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Theo đơn, bà Nguyễn Thị Mai Trâm tố cáo bà Trần Thị T.M (trú quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) lừa đảo chiếm đoạt của bà số tiền hơn 1,5 tỉ đồng thông qua việc chơi “biêu, hụi”. Nội dung đơn tố cáo cho biết, ngày 17/10/2022, bà Trâm mở một hội “biêu” cho đến hiện tại có khoảng 100 hụi viên tham gia. Trong đó có bà T.M vào tham gia với tổng cộng 56 dây “biêu” kể từ ngày 17/10/2023 cho đến nay.

Theo nội quy, hội viên khi tham gia dây biểu có trách nhiệm đóng tiền đúng kỳ và đủ cho chủ hụi, chủ hụi cũng có trách nhiệm chồng tiền đúng và đủ cho hụi viên. Trong quá trình bà T.M tham gia, bà Trâm phát hiện bà T.M gửi cho bà 63 hình chụp màn hình điện thoại báo nội dung đã chuyển khoản thành công qua Ngân hàng MB và Seabank nhưng bà Trâm không nhận được tiền.

Bà Trâm đã gửi 63 lệnh này lên Ngân hàng (MB và Seabank) để xác nhận. Hai ngân hàng này xác nhận 63 lệnh chuyển khoản này không có giao dịch, đây là lệnh giả. Qua kiểm tra, đối chiếu bà Trâm thống kê được số tiền thất thoát bởi hành vi làm giả lệnh chuyển khoản thành công của bà T.M là khoảng 1,1 tỉ đồng đến ngày 18/1/2023.

leftcenterrightdel
 Một số lệnh chuyển tiền mà bà Trâm tố cáo bà T.M làm giả.

Ngay sau khi có xác nhận từ ngân hàng bà Trâm khẳng định bà T.M làm giả 63 lệnh chuyển khoản ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó, bà Trâm đã thông báo cho bà T.M về việc không nhận được tiền và đề nghị bà T.M thực hiện đối soát 63 lệnh giao dịch này để làm rõ, nhưng bà T.M đã không thực hiện.

“Bà T.M đã thừa nhận hành vi và xin khắc phụ hậu quả bằng cách hốt dây biêu khác để trả tiền. Xét thấy bà T.M có thành ý nên tôi đã cho bà trả tiền bằng cách hốt “biêu” trả nợ. Sau khi hốt “biêu” xong, bà T.M không trả nợ, mà còn trốn tránh nên bà tôi làm đơn gửi Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng tố cáo bà T.M hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đơn của bà Nguyễn Thị Mai Trâm cho biết.

Trao đổi với PV liên quan đến tố cáo của bà Nguyễn Thị Mai Trâm, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quân đội MB Sông Hàn (Chi nhánh đường Nguyễn Văn Linh, TP Đà Nẵng) cho biết, ông cũng đặt nghi vấn về các lệnh chuyển tiền. Cụ thể là, với tất cả các lệnh chuyển tiền nội bộ trong Ngân hàng MB cho nhau đều thể hiện rõ giờ và ngày trên lệnh chuyển tiền. Còn các lệnh của bà T.M liên quan vụ việc mà ông tiếp cận không có giờ chuyển tiền.

“Tôi không thể khẳng định các lệnh chuyển tiền là thật hay khống, bởi cơ quan chuyên môn mới kết luận được việc này. Ngân hàng cũng không thể cung cấp việc liên quan đến các lệnh chuyển tiền có tiền về tài khoản hay không vì ngân hàng phải bảo mật thông tin tài khoản khách hàng theo quy định. Tuy nhiên, bằng mắt thường thì thấy các lệnh chuyển tiền có bất thường vì không thể hiện thời gian giờ, phút chuyển tiền”, vị lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quân đội MB Sông Hàn nói.

Tương tự, tài liệu mà PV tiếp cận, tại buổi làm việc bà T.M thừa nhận có lệnh khống, “lệnh là lệnh khống rồi nhưng chính xác là khống bao nhiêu thì phải làm rõ”. Cũng tại các buổi làm việc và đối chiếu tại Cơ quan Công an, các bên đã đối chiếu và cho ra con số các “lệnh khống” mà bà T.M kê khai là 1,065 tỉ đồng.

Bị xử lý hình sự nếu có hành vi gian dối

Về vụ việc này, luật sư Lê Cao - Công ty luật FDVN,Đoàn luật sư TP Đà Nẵng cho bết, về nguyên tắc chơi hụi là một dạng giao kết dân sự giữa các bên, tuy nhiên trong quá trình tham gia nếu một trong các bên có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì pháp luật không cho phép.

leftcenterrightdel
 Phiếu hướng dẫn của Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng.

Theo đó, việc làm giả tài liệu là các phiếu chuyển tiền để chứng minh việc nộp hụi không đúng là hành vi trái luật. Có dấu hiệu của hành vi làm giả tài liệu, hành vi này cần được điều tra làm rõ vi phạm hành chính hay hình sự để có chế tài xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ bị xử lý phạt tù theo Điều 341 BLHS 2015 (sửa đổi năm 2017) với mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Còn về hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản, cần điều tra làm rõ thủ đoạn gian dối có từ lúc nào, ý độ chiếm đoạt tài sản đến trước hay cùng lúc hay sau khi có được tài sản từ việc chơi hụi. Nếu có thủ đoạn gian dối để đưa ra thông tin trước nhằm chiếm đoạt tài sản thì có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu thông qua hình thức chơi hụi, sau đó dùng hành vi gian dối để chiếm đoạt thì có dấu hiệu của hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Xuân Nha