Một nghịch lý vẫn tồn tại đến hiện nay khi giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh theo giá thế giới nhưng khi giá xăng thế giới giảm tới 40% thì giá trong nước chỉ giảm trên 20%.



Theo số liệu thống kê, giá xăng nhập khẩu tính đến hết tháng 9/2015 giảm khoảng hơn 40% so với cùng kỳ. Trong cùng thời điểm này, giá bán lẻ xăng trong nước đối với mặt hàng xăng RON 92 và RON 95 chỉ giảm tương ứng hơn 23%.

Mặt khác, trong 9 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xăng dầu nhập khẩu ước đạt 3,95 tỷ USD, giảm 36,17% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng với kim ngạch 2,24 tỷ USD). Trong đó, do khối lượng nhập khẩu tăng làm kim ngạch tăng 3,45% tương ứng với kim ngạch 0,13 tỷ USD nhưng do giá giảm 38,30% làm kim ngạch giảm 2,37 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch xăng dầu nhập khẩu 9 tháng đầu năm 2015 giảm so với cùng kỳ năm 2014 do giá giảm trong khi lượng tăng.

Giá xăng nhập khẩu giảm mạnh hơn dầu (hơn 40% so với tháng 9/2014). Xăng RON 92 nhập từ Singapore vào cuối tháng 9 có 495 USD một tấn, giảm 396 USD so với cùng kỳ, trong khi các số liệu tương tự với RON 95 là 598 USD và 460 USD một tấn.

Về nguyên tắc, hiện nay giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, tức thị trường thế giới. Thế nhưng khi giá xăng dầu giảm tới 40% trên thị trường thế giới thì giá xăng trong nước lại chỉ giảm hơn 20%.

Trước nghịch lý này, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam biện minh, tuy giá xăng dầu thế giới giảm mạnh nhưng giá trong nước chưa thể giảm theo vì xăng dầu bán lẻ trong nước vẫn thấp hơn nhiều so với giá của một số nước trong khu vực.

Ngay sau thông tin này được đưa ra, nhiều chuyên gia kinh tế đã lập tức phản pháo, họ cho rằng cách so sánh này là hoàn toàn khập khiễng và không thuyết phục. Sở dĩ giá xăng dầu ở một số nước trong khu vực cao hơn Việt Nam là do thuế nhập khẩu của các nước đánh vào mặt hàng này hiện cao hơn Việt Nam từ 5-7 lần.

Theo Nghị định 84, giá cơ sở để hình thành giá bán lẻ xăng dầu bao gồm các yếu tố và được xác định = [giá CIF + Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt] x Tỷ giá ngoại tệ + Chi phí kinh doanh định mức + Quỹ Bình ổn giá + Lợi nhuận định mức trước thuế + Thuế giá trị gia tăng + Phí xăng dầu + Các loại thuế, phí và các khoảng trích nộp khác theo quy định hiện hành; được tính bình quân của số ngày dữ trữ lưu thông quy định tại Nghị định này (30 ngày).

(Giá CIF là giá xăng dầu thế giới + Phí bảo hiểm + cước vận tải về đến cảng Việt Nam.)

Dân Trí đưa tin, trao đổi về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh nói ngắn gọn: “Giá xăng thế giới giảm không ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường Việt Nam mà phải qua các biện pháp hành chính. Đó là điều chúng ta cần xem xét”.

 

Theo  Người đưa tin

.