Cổ phiếu ngành thép vẫn đang có những phiên giao dịch buồn tẻ mặc cho kết quả kinh doanh tích cực trong quý III của các doanh nghiệp trong ngành.

 

 

Hoạt động kinh doanh tốt thường sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu trên sàn nhưng với nhóm cổ phiếu ngành thép thì lại không như vậy. Trái với không khí hồ hởi khi các doanh nghiệp ngành thép công bố kết quả quý 3 thì giá cổ phiếu của ngành thép vẫn đang có những phiên giao dịch không mấy khởi sắc.

Cổ phiếu HPG liên tục đi xuống từ mốc 38.000 đồng/cổ phiếu hồi tháng 10/2014 xuống mốc khoảng 25.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 5/2015. Trong giai đoạn nửa cuối quý 2 và quý 3/2015, giá HPG đã phục hồi, nhưng vẫn thấp hơn mặt bằng giá giai đoạn cuối năm 2014. Hiện thị giá cổ phiếu của đại gia Hòa Phát đang ở mức khoảng 33.000 đồng/cổ phiếu.

 

Đã giao dịch không mấy thuận lợi, HPG còn chứng kiến các quỹ ngoại ồ ạt giảm tỷ lệ sở hữu. Cụ thể, theo báo cáo thường niên của HPG, tính đến thời điểm cuối tháng 2/2015, cơ cấu cổ đông tại đây có đến 42% là nước ngoài, trong đó có nhóm Dragon Capital 8,82%, nhóm VOF (thuộc VinaCapital) 6,49%, nhóm Deutsche Bank 6,13%, Private Equity New Markets II K/S 2,98% (các cổ đông nước ngoài khác nắm dưới 2% vốn). Tuy nhiên, nhóm VinaCapital đã không chỉ thực hiện thoái vốn mà còn rút hết người khỏi ban lãnh đạo của HPG. Nguyên nhân dẫn đến việc này là HPG đã bị “mất lòng” khối ngoại khi “lấn sân” sang lĩnh vực thức ăn chăn nuôi chẳng liên quan gì đến thép.

 

Tương tự, cổ phiếu HSG cũng bắt đầu rớt giá từ mức trên 45.000 đồng/cổ phiếu khoảng tháng 1/2015 xuống đáy chỉ còn hơn 30.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 4/2015. Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu HSG đã hồi phục trở lại từ tháng 4/2015 đến nay và dập dềnh quanh mức khoảng 42.000 đồng/cổ phiếu.

 

Trong phiên giao dịch hôm 18/11, cổ phiếu của Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) đã giao dịch ở mức 47.000 đồng/cổ phiếu, giảm 4% trong một tháng qua, giảm hơn 24% sau 1 quý, giảm 43% sau 1 năm và gần 80% kể từ khi niêm yết. Còn nếu xét riêng trong xu hướng giảm bắt đầu từ cuối tháng 3/2014 thì TLH đã giảm gần 53%.

 

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, đây chính là giai đoạn “lửa thử vàng” đối với nhóm cổ phiếu thép. Liệu sau những thăng trầm, nhóm cổ phiếu ngành thép có khởi sắc vào năm sau hay không vẫn còn là câu hỏi khó có lời giải. Bởi tại thời điểm này, ngành thép cũng đang đối diện với không ít khó khăn.

 

Đi tìm ẩn số

 

Trước viễn cảnh cổ phiếu ngành thép, các chuyên gia phân tích đều nhìn nhận, nguyên nhân chủ yếu khiến cổ phiếu ngành thép lao dốc là do lo ngại vấn đề biên lợi nhuận trong ngành sẽ giảm đáng kể.

 

Tại ĐHCĐ thường niên 2015, Chủ tịch HPG đã thừa nhận nguyên nhân khiến HPG giảm kế hoạch lãi 2015 so với năm 2014 (mặc dù sản lượng cao hơn) là do sức ép từ giá bán đang giảm và chịu sự cạnh tranh từ các sản phẩm Trung Quốc. Với TPP, bên cạnh những thuận lợi, ngành thép cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức từ hiệp định này mang lại.

 

Còn với HSG, chiến lược xuất khẩu đã mang lại hiệu quả kinh doanh tích cực cho Công ty. Nhưng theo đại diện của HSG, thị trường xuất khẩu sẽ khó có triển vọng tốt hơn nữa trong thời gian tới. Vì thế, DN này đã định hướng sẽ tiếp tục mở rộng chi nhánh phân phối, bán lẻ để tiêu thụ sản phẩm trong cả nước.

 

Cũng có không ít ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính khiến cổ phiếu ngành thép bắt đầu giảm từ những tháng cuối năm 2014 là do việc Tổng cục Hải quan phải áp lại mã số hàng hóa (HS code) đối với mặt hàng phôi thép không hợp kim có thành phần carbon dưới 0,25% (HS code 7207.19.00), đang chịu mức thuế nhập khẩu 5%, chuyển thành mã HS theo code mới là 7207.11.00, với mức thuế suất gần gấp đôi, lên 9% kể từ ngày 15/11/2014. Việc thuế tăng trong khi giá bán trong nước chẳng những không tăng mà còn giảm rõ ràng là thiệt hại đối với các doanh nghiệp trong ngành.

 

Ngoài ra, một trong những vấn đề đáng lo ngại của ngành thép hiện nay là cung đang vượt xa cầu. Theo quy hoạch đến năm 2025, tổng công suất toàn ngành thép sẽ đạt 20 triệu tấn/năm. Tuy nhiên tính đến thời điểm này, số lượng dự án thép được cấp phép trên cả nước đã có tổng công suất lên đến 40 triệu tấn/năm, gấp đôi so với quy hoạch. Hầu hết các DN trong ngành vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, tìm kiếm thị trường.

 

Chưa hết, ngay đầu năm nay, Bộ Tài chính đãban hành Thông tư 165/2014/TT-BTC về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN giai đoạn 2015-2018. Theo đó, thuế nhập khẩu một số sản phẩm thép, quặng sắt, hợp kim... giảm xuống còn 0%. Điều này sẽ tạo cơ hội cho sản phẩm thép từ các nước Đông Nam Á tràn vào Việt Nam và chắc chắn sẽ tạo thêm sức ép cho DN trong nước.

 

Theo NTD

.