(BVPL) - Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được khởi động từ tháng 3/2010, với sự tham gia của 12 nước, trong đó có Việt Nam, đến nay Hiệp định đã trải qua 19 vòng đàm phán và dự kiến sẽ được ký vào cuối năm 2013.
 


Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, nhưng đến 2013, Việt Nam đã từng bước phục hồi tăng trưởng kinh tế, chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia trong xếp hạng đã tăng 5 bậc. Tính chung 11 tháng năm 2013, xuất khẩu đạt 121 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2012, khu vực FDI không tính dầu thô đạt 74,6 tỷ USD, tăng 28,5%, tăng trưởng GDP của quý III cũng đã đạt 5,54%...Tuy nhiên, theo ông Thiên, Việt Nam là nước phát triển thấp nhất trong số 12 nước tham gia TPP, đây sẽ là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn. Nếu doanh nghiệp Việt Nam không có định hướng và chuẩn bị hành trang, nguy cơ “xóa sổ” doanh nghiệp là không thể tránh khỏi.

 Những khó khăn lớn nữa mà Việt Nam sẽ phải đối mặt khi tham gia TPP đó là các vấn đề về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cao hơn, chế tài mạnh hơn, Việt Nam không bảo vệ được sản phẩm trí tuệ thì không thể phát triển. Cùng với đó là sự cạnh tranh trong mua sắm công khi mà các tiêu chí thông thoáng, công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử sẽ được đề cập đến…Đây là các vấn đề mà doanh nghiệp cần quan tâm.

Còn ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban tư vấn chính sách thương mại quốc tế Phòng Công nghiệp & Thương mại (VCCI) thì cho rằng, thái độ của doanh nghiệp khi tham gia TPP không còn “vẻ” háo hức, hồ hởi như khi Việt Nam gia nhập WTO mà tựa như “chiến binh” đã qua các trận đánh lớn. Vì vậy, đối với TPP, Việt Nam cần nhận định được thực trạng trong từng ngành để khắc phục và tham gia một cách hiệu quả.

Cùng với đó, một lĩnh vực đáng lo nhất của Việt Nam khi tham gia TPP đó là nông nghiệp. Việt Nam vẫn cơ bản là một nước nông nghiệp. Đây là lĩnh vực có nhiều mặt hàng xuất khẩu như: gạo, cà phê, chè, thủy sản… đem lại giá trị không nhỏ cho nền kinh tế, song thực tế, cần thừa nhận rằng, nhiều sản phẩm hàng hóa của ngành nông nghiệp do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, năng suất lao động còn thấp và áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên giá thành sản xuất còn cao, thậm chí còn cao hơn cả những nước có nền kinh tế lớn trong khu vực. Vì vậy, việc mở cửa thị trường nhập khẩu ít nhiều sẽ có những tác động đến sản phẩm hàng hóa này, rộng hơn là những tác động đến đời sống, sản xuất của người nông dân.

Về điều lo ngại này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay: “Lường trước được việc này nên trong những trao đổi, đàm phán với Hoa Kỳ và các nước thành viên khác của TPP, chúng ta đã yêu cầu TPP phải là một hiệp định cân bằng về lợi ích, tức là nước nào cũng phải có lợi ích và tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển. Nghĩa là, đối với một nước có trình độ phát triển còn chậm như Việt Nam, chúng ta yêu cầu phải có một lộ trình thích hợp cho việc thực hiện cam kết của chúng ta. Trong khoảng thời gian đó, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông sản xuất khẩu cần có thời gian khắc phục những yếu kém và nâng dần khả năng cạnh tranh sản phẩm.
 

Vĩnh Hoàng

.