leftcenterrightdel
 Theo đánh giá tại Hội thảo, tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp còn là nguyên nhân dẫn đến sự phức tạp của tình hình về tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu.

Tại Hội thảo khoa học “Quản lý, phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử - Những vấn đề đặt ra trong công tác phòng ngừa, điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu trong tình hình hiện nay” ngày 24/5, Thượng tá, PGS.TS Phạm Tiến Dũng, Trưởng Khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường, Học viện Cảnh sát nhân dân đánh giá, trong những năm qua, việc chủ động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác quản lý thuế, nhất là việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) đã giúp ngành Thuế tạo bước đột phá mới trong việc quản lý rủi ro, quản lý thuế, thực hiện kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu cho các cơ quan nhà nước khác, đặc biệt là, cơ quan chức năng trong điều tra, xử lý tội phạm.

Tuy nhiên, các loại tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu đã và đang dần có sự “thích ứng” với việc sử dụng các phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, tình hình mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn vẫn đang có chiều hướng diễn biến ngày một phức tạp. Không chỉ vậy, tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp còn là nguyên nhân dẫn đến sự phức tạp của tình hình về tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu.

Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, việc triển khai HĐĐT trên toàn quốc đã góp phần làm thay đổi phương thức quản lý, cách thức phục vụ người dân của cơ quan Thuế nói riêng và cơ quan quản lý nhà nước nói chung theo hướng tự động và ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp (DN) bỏ trốn, mất tích; phòng chống tình trạng gian lận thuế, trốn thuế... từ đó, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

 Theo thống kê, chỉ tính riêng năm 2023, cơ quan Thuế cũng đã chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an kiến nghị điều tra, khởi tố: 88 hồ sơ; và cũng nhận được 4.416 yêu cầu cung cấp hồ sơ của cơ quan Công an đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến lĩnh vực thuế của người nộp thuế phục vụ công tác quản lý, trấn áp tội phạm kinh tế của cơ quan Công an.

Thực hiện quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, từ ngày 1/7/2022, các DN, tổ chức và cá nhân kinh doanh đã chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT thay cho hóa đơn giấy truyền thống. Sau gần 2 năm triển khai, tính đến nay, đã có 100% DN, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh hạch toán theo phương pháp kê khai chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT.

Thống kê đến thời điểm này, cơ quan Thuế đã tiếp nhận và xử lý gần 7,2 tỉ hóa đơn (gồm hơn 2 tỉ hóa đơn có mã và gần 5,2 tỉ hóa đơn không mã). Hệ thống HĐĐT đã vận hành ổn định, thông suốt 24/7 và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và DN. Theo đó, toàn bộ chi phí tuân thủ và quản lý, vận hành đều được giảm thiểu. Quan trọng hơn, người dân, DN có thể dễ dàng tra cứu được hóa đơn đầu ra, đầu vào, qua đó giảm thiểu được sai sót, cũng như rủi ro về hóa đơn.

leftcenterrightdel
 Một vụ án mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước và trốn thuế được lực lượng chức năng xử lý. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, cũng theo ông Mai Sơn đánh giá, trong thời gian qua, vẫn còn một số DN, tổ chức, cá nhân đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, thành lập DN không để sản xuất kinh doanh mà để thực hiện hành vi bán hóa đơn khống để thu lợi bất chính, một số DN thực hiện hành vi mua hóa đơn không hợp pháp để chiếm đoạt thuế của Nhà nước và nhiều các mục đích khác nhau mang một số đặc điểm cơ bản như:

Kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào, giảm số thuế GTGT phải nộp NSNN; Sử dụng hóa đơn để hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, hợp thức hoá hàng buôn lậu, tham ô, lập khống chi phí phát sinh, làm giảm chi phí dẫn đến giảm thu nhập chịu thuế và thuế TNDN phải nộp NSNN; Sử dụng hóa đơn đầu vào để tăng số thuế được hoàn; ...

Trước tình hình trên, thời gian qua, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan Thuế các cấp tăng cường công tác quản lý thuế, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật thuế của người nộp thuế; Tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thuế như các hành vi trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tiền hoàn thuế; mua, bán và sử dụng trái phép hoá đơn; chống thất thu cho NSNN, đảm bảo công bằng xã hội.

Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho biết, hiện nay, cơ quan Thuế đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá rủi ro về HĐĐT, phát triển các ứng dụng CNTT để xử lý các dữ liệu về HĐĐT, hỗ trợ nhận diện được ngồi nộp thuế có rủi ro cao về sử dụng HĐĐT để đưa ra cảnh báo, xử lý nếu có vi phạm hoặc chuyển sang cơ quan Công an đối với trường hợp thuộc diện rủi ro cao có dấu hiệu tội phạm để phối hợp điều tra và xử lý, nếu phát hiện vi phạm.

Nguyễn Anh