(BVPL) - Ngành lúa gạo được xác định là thế mạnh của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tuy nhiên bên cạnh những con số ấn tượng về năng suất, sản lượng xuất khẩu thì vẫn còn tồn tại những vấn đề rất lớn về sản xuất. Năm 2013, diện tích đất gieo trồng lúa của toàn vùng là hơn 4,3 triệu ha, sản lượng là 25 triệu tấn, dù trên 70% sản lượng gạo của vùng dành cho xuất khẩu nhưng phần lớn vẫn là gạo phẩm cấp thấp, nông dân sản xuất nhiều giống gạo khác nhau dẫn tới chất lượng gạo xuất khẩu chưa đồng nhất, sau thu hoạch công nghệ bảo quản chưa được tốt. Do vậy để tái cơ cấu ngành lúa gạo thì một trong những nội dung quan trọng nhất chính là làm sao tăng được chất lượng trong khi giảm diện tích đất trồng lúa.



Tăng chất lượng - luân canh cây trồng

Tại hội thảo Tái cơ cấu ngành lúa gạo tại ĐBSCL vừa được tổ chức mới đây, Đại diện tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) nhấn mạnh: Hiện nay, vấn đề an ninh lương thực không còn cấp bách nên việc sản xuất lúa gạo cần chú trọng hơn đến chất lượng. Ngành lúa gạo ở ĐBCSL nói riêng và cả nước nói chung cần có những giải pháp thay đổi năng động và hiệu quả hơn. Theo ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ NN&PTNT: Nếu như chúng ta đẩy mạnh được khu vực của tổ chức nông dân có các doanh nghiệp thì họ sẽ kiểm soát chất lượng sản phẩm tốt hơn trong quá trình sản xuất. Bởi vì bản thân nông dân, hay bản thân các doanh nghiệp lớn không thể trực tiếp kiểm soát được tất cả các vấn đề, mà chỉ có các tổ chức trung gian như hợp tác xã, tổ hợp tác mới làm được việc này.

Theo tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, bên cạnh việc nâng cao thu nhập cho người trồng lúa thì một việc rất quan trọng là chúng ta phải luân canh đa dạng trong sản xuất nông nghiệp, những vùng đất lúa không thích hợp có thể trồng các cây màu khác nhau, ngoài lúa ra chúng ta phát triển tiếp các ngành liên quan đến nông nghiệp, thậm chí là các ngành phi nông nghiệp tại nông thôn.

Đẩy mạnh công tác dự báo, khai thác thị trường mới

Việt Nam xuất khẩu gạo với vị thế nhất nhì thế giới, vị trí về sản lượng là vậy nhưng sức mạnh về giá và điều tiết thị trường là chưa có. Điệp khúc được mùa mất giá, càng sản xuất nhiều càng lỗ không chỉ đối với thị trường trong nước mà còn là nỗi buồn của thị trường xuất khẩu. Điều đó cho thấy, Việt Nam chưa làm tốt công tác dự báo thị trường, chưa chủ động về thị trường… Vì vậy, tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam phải tận dụng hết được những lợi thế mà mình đang có.

Khi cấu trúc lại sản xuất cần biết thế mạnh của từng địa phương và nhu cầu thị trường để đảm bảo nhu cầu cạnh tranh, hoặc đẩy mạnh sản xuất những sản phẩm có chất lượng cao, hoặc mở rộng thị trường sang các khu vực mới, định hướng sản xuất… bởi về lâu dài nếu lúa gạo tiếp tục lệ thuộc vào một thị trường sẽ gây ứ đọng, khó khăn cho nông dân. Do vậy, cần xúc tiến thương mại nhiều thị trường khác nhau dù phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt. Thực tế, thị trường châu Phi, Bắc Mỹ và Tây Âu... đang bị bỏ ngỏ, nếu ta mở rộng thị trường được thì chuyện tiêu thụ 6-7 triệu tấn gạo không phải là quá khó. Để mở rộng được thị trường, Chính phủ phải có chiến lược về sản xuất và tiêu thụ, cần có sự tham gia mạnh mẽ và chặt chẽ hơn từ phía doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khi cấu trúc lại sản xuất, một mặt, hàng phải gắn với thị trường cụ thể và chất lượng sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải nắm bắt các vấn đề này để đặt hàng nông dân chủ động sản xuất. Không phải như hiện nay ta đang làm ngược lại với thế giới, khi có hợp đồng xuất khẩu gạo thì mới quay lại thu gom lúa gạo để làm hàng xuất cho đối tác. Trúng gói thầu 800.000 tấn gạo ở Philippines là một ví dụ điển hình. Giá trúng thầu chỉ có 370 USD/tấn, tương đương 8.000 đồng/kg. Như vậy nếu doanh nghiệp mua lúa 4.500-5.000 đồng/kg đem bán sẽ bị lỗ.  Với vị thế xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới, Việt Nam hoàn toàn có khả năng ảnh hưởng lớn đến giá, cơ hội và lợi nhuận sẽ lớn đến mức nào nếu như công tác dự báo thị trường của Việt Nam tốt đi kèm với công tác điều tiết thị trường linh hoạt, chủ động.

Manh mún kìm hãm phát triển

Hiện nay, diện tích nông hộ ở các địa phương còn thấp trung bình khoảng 0.87/ ha mỗi hộ ,điều này dẫn đến khó khăn trong việc cơ giới hóa và khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như bảo quản sản phẩm. Vì vậy, phải có giải pháp có thể là kết hợp nông dân lại với nhau để cùng nhau sản xuất theo cơ giới hóa nông nghiệp, đồng thời có thể tận dụng được thế mạnh thị trường.

Trong bài toán tái cơ cấu ngành lúa gạo của ĐBSCL thì ngoài việc quy hoạch lại vùng sản xuất, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật cũng cần cải tạo chuỗi giá trị của ngành lúa gạo, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cũng như đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, để giảm những khâu trung gian trong phân phối sản phẩm. Hiện nay, mô hình cánh đồng mẫu lớn hay cánh đồng liên kết hơn 100 nghìn ha đang làm khá tốt nhiệm vụ này.
 

Trần Mai

.