(BVPL) - “Làm thế nào để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam” là chủ đề của Hội nghị bàn tròn về thủy sản 2016 do Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa tổ chức.

 


Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho biết, Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng xuất khẩu tôm nhờ nhu cầu ổn định từ các thị trường chính như: Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và giá tôm thế giới có xu hướng tăng trong bối cảnh nguồn cung thế giới sụt giảm. Tuy nhiên, Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay giá thành tôm nuôi của Việt Nam cao hơn với các nước trong khu vực, tuy giá bán cao nhưng người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn và phải hứng chịu nhiều rủi ro.

 Các chuyên gia cho rằng, nhiều thách thức đang đặt ra cho ngành xuất khẩu tôm như: Giống, thức ăn, thuốc chế phẩm sinh học; cách thức tổ chức sản xuất liên kết ngành tôm; chính sách quản lý đối với chuỗi cung ứng và những hạn chế, đề xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất tôm…


Hiện nay, vấn đề tôm giống thiếu và chất lượng không ổn định, kiểm dịch chưa phát huy vai trò; vấn đề con giống phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nên giá thành bị động khó kiểm soát. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất lượng thức ăn và các chất kháng sinh còn bị thả nổi; chế tài xử lý của các ngành chức năng chưa đủ sức răn đe những đơn vị, cá nhân vi phạm nên đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và xuất khẩu tôm của Việt Nam.

Do đó, vấn đề cấp thiết đặt ra là phải minh bạch đầu vào sản xuất tôm giống, thức ăn, chất kháng sinh sử dụng trong thủy sản; liên kết chuỗi cung ứng trong sản xuất và xuất khẩu để tạo thế cạnh tranh đối với các nước trong khu vực.

Theo ông Trần Đình Luân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản trong bối cảnh hội nhập hiện nay, chi phí sản xuất của ngành tôm nước ta so với các nước vẫn rất lớn, bên cạnh đó là một số vướng mắc về chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc. Bởi vậy, người dân, cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần chung vai để yếu tố đầu vào đạt chất lượng và giá cả hợp lý, chúng ta phải nhắm được thị trường và sản phẩm để định hướng ngược lại trong sản xuất làm sao cho tốt.

Sẽ có tôm giống theo tiêu chuẩn OIE

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ban hành Kế hoạch giám sát chuỗi sản xuất tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu. Kế hoạch này nhằm mục tiêu xây dựng thành công các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất được chứng nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và theo yêu cầu của nước nhập khẩu để có thể xuất khẩu tôm nguyên con và các sản phẩm tôm của Việt Nam đi các nước trên thế giới.

Theo kế hoạch, phấn đấu kết thúc năm 2017, có ít nhất 10% số cơ sở sản xuất tôm giống có quy mô sản xuất mỗi năm trên 1 tỷ tôm giống đăng ký chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh theo quy định.

Các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng thành công và được chứng nhận là các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh theo quy định của Thông tư 14 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và của OIE. Đồng thời phấn đấu trong năm 2017, có ít nhất 1 doanh nghiệp là cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE để có thể xuất khẩu tôm nguyên con và các sản phẩm tôm đi các nước.

Để thực hiện Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu Cục Thú y xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát dịch bệnh quốc gia. Đồng thời tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các địa phương và các cơ sở nuôi tôm thực hiện Kế hoạch giám sát dịch bệnh, nhằm bảo đảm các yêu cầu để cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh được chứng nhận theo tiêu chuẩn của OIE và Thông tư số 14.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa phương thực hiện tham mưu, trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo ủy ban nhân dân các cấp, các sở, ban, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp và các văn bản của Trung ương nhằm xây dựng thành công các cơ sở nuôi tôm có chuỗi sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh.
 

PV

.