Năm 2014 - nhà xuất khẩu 'lên ngôi'
Cập nhật lúc 12:22, Thứ bảy, 18/01/2014 (GMT+7)
Theo dự báo của các chuyên gia, 2014 sẽ là năm bước ngoặt của nền kinh tế toàn cầu: một số quốc gia thoát khỏi khủng hoảng tài chính, ổn định về chính sách, nhu cầu của các nước phương Tây dần được cải thiện. Đây được xem là điều kiện có lợi cho Việt Nam, vốn là một quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu. ( xuất siêu, xuất khẩu, PMI, HSBC)
(BVPL) - Theo dự báo của các chuyên gia, 2014 sẽ là năm bước ngoặt của nền kinh tế toàn cầu: một số quốc gia thoát khỏi khủng hoảng tài chính, ổn định về chính sách, nhu cầu của các nước phương Tây dần được cải thiện. Đây được xem là điều kiện có lợi cho Việt Nam, vốn là một quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu.
Về thị trường, EU vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ước đạt 24,4 tỷ USD tăng 20,4% (tương đương 4,1 tỷ USD) so với năm 2012. Đứng thứ hai là Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt 23,7 tỷ USD, tăng 20,3% (4 tỷ USD). Tiếp đến là ASEAN đạt 18,5 tỷ USD, tăng 6,3% (1,1 tỷ USD) với các mặt hàng chủ yếu là điện thoại các loại và linh kiện tăng 75,2% (992 triệu USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 30,7% (414 triệu USD).
Như vậy, năm 2013 Việt Nam chính thức xuất siêu ở mức 863 triệu USD, đây cũng là năm thứ hai liên tiếp kể từ khi gia nhập WTO (năm 2007) Việt Nam đạt thặng dư thương mại.
Xuất khẩu năm Giáp Ngọ sẽ “phi mã”
Nhìn lại chặng đường xuất khẩu của Việt Nam trong vài năm gần đây, từ một quốc gia luôn ở tình trạng thâm hụt thương mại trong nhiều năm, Việt Nam trong năm 2013 đã đạt mức thặng dư thương mại 900 triệu USD sau khi đã có thặng dư nhẹ trong năm 2012.
Thực tế, nền kinh tế Việt Nam vốn là một quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu với việc xuất hàng chiếm tỷ trọng 81% GDP cả nước trong năm 2012. Mặc dù nhu cầu toàn cầu có sự dao động trong năm 2013 và giá cả hàng hoá đang giảm nhưng tăng trưởng xuất khẩu vẫn đạt mức đáng kể 15,4%. Nguyên nhân là do tình hình xuất khẩu hàng dệt may cùng với đầu tư mới ngoài nước trong lĩnh vực điện tử đã phục hồi. Với nguồn vốn giải ngân FDI tăng 9,9% và nguồn vốn đăng ký tăng tốc đáng kể, dự báo xuất khẩu sẽ khởi sắc trong năm 2014.
Những điểm sáng chính yếu trong năm 2014 vẫn là các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu. Với các điều kiện toàn cầu đang được cải thiện và những hiệp định thương mại đang trong quá trình đàm phán, các doanh nghiệp xuất khẩu hứa hẹn sẽ có một năm tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo các chuyên gia cho biết, Việt Nam bắt đầu bước vào năm Giáp Ngọ với triển vọng đang dần tươi sáng hơn. Xuất khẩu, đặc biệt ở các doanh nghiệp sản xuất có vốn đầu tư nước ngoài sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho Việt Nam. Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 12 đã thể hiện sản lượng ngành sản xuất tăng tốc đạt mức 51,8 điểm - mức cao nhất kể từ tháng 4.2011.
Trong năm 2014, với việc tăng cường đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang Mỹ (chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu) và châu Âu (chiếm 14% tổng kim ngạch xuất khẩu), Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi khi nhu cầu các nước phương Tây dần được cải thiện theo tín hiệu khôi phục của nền kinh tế toàn cầu, dự báo tăng trưởng 3,2% trong năm nay. Dự báo, xuất khẩu sẽ tăng 20% trong năm 2014 từ mức tăng 15,4% trong năm 2013. Điều này sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng GDP đạt mức 5,6% trong năm 2014 từ mức 5,4% trong năm 2013.
Phan Long - Tường Châu
.