Tại TPHCM, các loại rau quả và thịt các loại đã tăng giá chóng mặt từ những ngày qua. Nguyên nhân được cho là do các nhà vận chuyển hàng hóa tăng giá vì cước vận tải tăng.
Tại chợ Tân Thuận Tây, quận 7, hôm 27/5, giá các loại rau lá như cải thảo, bắp cải, cải bẹ xanh hay xà lách búp đều được bán lẻ với giá từ 16.000 đồng/kg, tăng 3-4.000 đồng/kg. Tại chợ Tân Định, quận 1, rau diếp, xà lách, cà rốt, hành tây hay súp lơ Đà Lạt đều đã tăng 4-5.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Sương, ở chợ nông sản Thủ Đức cho biết các loại rau củ trong nước và nhập khẩu đều tăng giá 3% so với cách đây một tháng. “Hàng ở đây lấy sỉ đã tăng 3% thì bán lẻ lại cho các chợ đương nhiên họ sẽ bán giá cao hơn mới kiếm lời được”- bà Sương nói.
Không chỉ rau củ, thịt các loại cũng tăng giá. Theo các tiểu thương, giá thịt heo hơi ở chợ đầu mối Hóc Môn từ hai tuần nay đã tăng thêm khoảng 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, về chợ Bà Chiểu và các chợ lẻ khác ở TPHCM, giá được đẩy lên từ 30-50.000 đồng tùy loại.
Tại chợ Tân Kiểng, Tân Thuận Tây ở quận 7 ngày 27/5, thịt ba rọi lấy từ chợ đầu mối có giá 60.000 đồng/kg nhưng các quầy thịt heo ở hai chợ này bán với giá lên 97.000 đồng/kg. T
Tại chợ đầu mối Bình Điền, giá bán buôn thịt gà thả vườn chỉ 64.000 đồng/kg; gà công nghiệp 47.000 đồng/kg nhưng tại chợ Bùi Văn Ba, quận 7 hay chợ Vườn Chuối quận 3, thịt gà thả vườn bị đẩy lên 82.000 đồng/kg, gà công nghiệp 71.000 đồng/kg. Một chủ hàng bán lẻ thịt gia súc, gia cầm ở chợ Tân Định, quận 1 bảo: “Giá cả leo thang nên hàng ế ẩm, không có lời”.
Do cước vận tải?
Các tiểu thương chợ đầu mối nông sản Thủ Đức nói các chủ vận tải đã tăng giá khi ngành chức năng hạn chế tải trọng xe, kéo theo giá cả các mặt hàng tăng lên. “Hàng vận chuyển càng xa thì giá tăng càng nhiều”- một tiểu thương nói. Đại diện chợ đầu mối Hóc Môn cũng cho rằng giá các loại thịt tăng lên do việc điều chỉnh cước vận tải và giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, đại diện Ban quản lý chợ Hóc Môn nói rằng giá cả nơi đây nhích lên không nhiều vì đây là chợ đầu mối.
Trao đổi với Tiền Phong ngày 27/5, ông Trần Thanh Toàn - giám đốc Công ty dịch vụ vận tải Trọng Tấn ở TPHCM, cho biết giá cước đã tăng từ 40-50% từ hai tuần qua sau khi Bộ Giao thông- Vận tải siết tải trọng xe. Theo ông Toàn, đây là nguyên nhân khiến giá hàng hóa, trong đó có giá thực phẩm đội lên. “Ngày trước khi chưa siết tải trọng, xe 8 tấn có thể chở 16 tấn. Mỗi chuyến vận chuyển như vậy từ phía Bắc và Nam có giá 30 triệu đồng. Nhưng nay chở đúng tải trọng, khách hàng cũng phải trả 28 triệu đồng, vì vậy họ tăng giá bán thực phẩm lên để bù lại là điều dễ hiểu”- ông Toàn phân tích.
Chị Nguyễn Thị Hà, chủ buôn các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc về chợ đầu mối TPHCM khẳng định, nếu không tăng giá thì mỗi chuyến hàng 20 tấn lỗ ít nhất 15 triệu đồng. “Chúng tôi không dám chở quá tải, bởi chở quá tải tài xế bị phạt 3 triệu đồng, chủ hàng bị phạt thêm 6 triệu đồng”- chị Hà nói, đồng thời cho biết từ Bắc vào Nam tỉnh nào cũng có trạm cân nên không thể mạo hiểm đôn hàng lên. “Cách còn lại để bù vào giá cước là tăng giá bán thực phẩm lên thôi”- chị Hà nói.
Tuy nhiên, theo ông Thái Văn Chung- Thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM, khảo sát cho thấy doanh nghiệp tăng cước lên 20-30%, diễn ra ở những chặng đường dài, do vậy không phải mặt hàng nào tăng giá cũng là hợp lý. Nhiều tiểu thương vin vào cớ cước tăng để “té nước theo mưa”.
Theo Tiền phong